Dân Việt

Đến nhận hồ sơ, cán bộ đi B nghẹn ngào khi tìm thấy kỷ vật của em trai đã mất

Bùi My 04/10/2023 17:03 GMT+7
Cầm trên tay hồ sơ đi B của bản thân và của em trai đã mất, ông Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại phường Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) không cầm được nước mắt. Ông Hùng không ngờ mình lại có thể "gặp lại" em trai sau gần 50 năm xa cách.

Ngày 4/10, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị trao trả hồ sơ cán bộ quê quán tỉnh Quảng Ninh đi B giai đoạn 1965-1975.

Từ cuối năm 1959, hàng trăm đoàn cán bộ từ miền Bắc với tinh thần tự nguyện, đã bí mật vượt dãy Trường Sơn để vào miền Nam công tác, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Họ được gọi với biệt danh là "đi B".

Đi nhận hồ sơ, cán bộ đi B nghẹn ngào khi tìm thấy kỷ vật của em trai đã mất  - Ảnh 1.

Các cán bộ, thân nhân cán bộ đi B xúc động khi được nhận lại hồ sơ, kỷ vật. Ảnh: Bùi My

Theo bà Phạm Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Lưu trữ lịch sử thuộc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 149 hồ sơ của cán bộ quê quán tỉnh Quảng Ninh đi B giai đoạn 1965-1975 do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước bàn giao.

Trong quá trình thực hiện tiếp nhận, rà soát thông tin hồ sơ, tài liệu cán bộ tỉnh Quảng Ninh đi B, một số hồ sơ của cán bộ đi B thông tin kê khai chưa cụ thể, còn chung chung. Bên cạnh đó, địa giới hành chính tỉnh Quảng Ninh có nhiều thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, có những cán bộ đi B đã hi sinh hoặc gia đình đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Do đó, việc phân loại, thống kê hồ sơ theo địa bàn và xác định thông tin của cán bộ đi B gặp khó khăn.

Đến nay, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát, tìm kiếm được 87/149 địa chỉ, thông tin của cán bộ đi B và thân nhân của cán bộ đi B. Trong đó, có 68 cán bộ, thân nhân cán bộ có địa chỉ hiện tại ở tỉnh Quảng Ninh, 19 cán bộ, thân nhân cán bộ có địa chỉ hiện tại ở các tỉnh ngoài.

Đi nhận hồ sơ, cán bộ đi B nghẹn ngào khi tìm thấy kỷ vật của em trai đã mất  - Ảnh 2.

Nhiều tài liệu, kỷ vật của cán bộ đi B được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Bùi My

Xúc động khi nhận lại hồ sơ đi B, ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1949, hiện trú tại tổ 2, khu 4C, phường Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, tháng 4 năm 1972, ông được điều động đi B và công tác tại Văn phòng Khu ủy V. 

Vì đây là công tác đặc biệt, ngày lên đường vào Nam, cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Đến tháng 6/1976, ông trở về miền Bắc, công tác tại Nhà máy cơ khí trung tâm Cẩm Phả cho đến khi nghỉ hưu.

"Khi trở về miền Bắc, bản thân tôi cũng không biết giấy tờ năm xưa của mình được lưu giữ ở đâu. Mãi đến đầu năm nay, tôi mới biết hồ sơ của mình được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và đã được bàn giao cho Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận" - ông Hùng cho hay.

Đi nhận hồ sơ, cán bộ đi B nghẹn ngào khi tìm thấy kỷ vật của em trai đã mất  - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - cán bộ đi B giai đoạn 1965-1975, rơm rớm nước mắt khi tình cờ tìm thấy hồ sơ của em trai (cũng là cán bộ đi B) đã mất. Ảnh: Bùi My

Không nén nổi nước mắt, ông Hùng cho biết thêm, ông có em trai cũng đi B vào tháng 7/1973 và công tác trong Nam cho đến khi giải phóng. Đến năm 1978, em trai của ông gặp tai nạn không mong muốn và tử nạn. Do em trai sống với bố mẹ và bố mẹ của ông đã mất, hồ sơ lại trả về địa chỉ cũ nên có thể ban đầu không thể tìm thấy thân nhân.

"Hôm nay tôi rất sững sờ và cảm động, tôi đã nhìn thấy hồ sơ đi B của em trai tôi. Một lát nữa tôi sẽ được tiếp nhận hồ sơ, kỷ vật của em trai tôi" - ông Hùng xúc động nói.

Trong quá trình diễn ra hội nghị, đã có thêm 3 bộ hồ sơ cán bộ quê quán tỉnh Quảng Ninh đi B giai đoạn 1965-1975 được tìm thấy bởi thân nhân, nâng tổng số lên 90/149 hồ sơ tìm thấy địa chỉ, thông tin.

Đi nhận hồ sơ, cán bộ đi B nghẹn ngào khi tìm thấy kỷ vật của em trai đã mất  - Ảnh 4.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh bàn giao hồ sơ cho cán bộ, thân nhân của cán bộ đi B. Ảnh: Bùi My

Đi nhận hồ sơ, cán bộ đi B nghẹn ngào khi tìm thấy kỷ vật của em trai đã mất  - Ảnh 5.

Đại diện BCH Quân sự tỉnh Quảng Ninh bàn giao hồ sơ cho cán bộ, thân nhân của cán bộ đi B. Ảnh: Bùi My

Bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, khi tiếp nhận hồ sơ, kỷ vật, các cán bộ đi B, thân nhân cán bộ đi B giống như tìm lại một phần ký ức, giống như được "chạm vào" người cha, người em, người thân của mình sau nhiều năm xa cách.

Những hồ sơ, kỷ vật này không chỉ lưu lại thông tin về bản thân và quá trình phấn đấu của cán bộ đi B mà còn là nguồn sử liệu vô giá, minh chứng cho tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của các thế hệ cán bộ đi B tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đi nhận hồ sơ, cán bộ đi B nghẹn ngào khi tìm thấy kỷ vật của em trai đã mất  - Ảnh 6.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để số hồ sơ còn lại sớm trở về với cán bộ, thân nhân cán bộ đi B. Ảnh: Bùi My

Việc trao trả các hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sự tôn vinh, tri ân với những người có công với đất nước, góp phần thiết thực trong việc cung cấp thông tin cho cá nhân, thân nhân gia đình cán bộ đi B tìm lại hồ sơ, kỷ vật trước lúc lên đường vào Nam đã gửi lại Ủy ban thống nhất Chính phủ, đồng thời nâng cao ý nghĩa giáo dục và truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, đối với số hồ sơ, kỷ vật còn lại chưa tìm được thông tin, địa chỉ, mong các cán bộ đi B, các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để kết nối, chia sẻ thông tin, để số hồ sơ này sớm trở về vòng tay của cán bộ, thân nhân cán bộ đi B.