Ngày 3/10, Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài viết "Thái Nguyên: Nhiều người dân đến MB Bank gửi tiền tiết kiệm, phát hiện bị biến thành chứng nhận bảo hiểm", phản ánh việc nhiều người dân ở Thái Nguyên đi tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhưng sau đó phát hiện số tiền bản thân gửi vào là để tham gia hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, nhiều người sống tại TP.Phổ Yên, TP.Thái Nguyên phản ánh nhân viên Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) tư vấn không rõ ràng, hướng người dân gửi tiết kiệm, đầu tư với lãi suất cao thế nhưng "biến thành" hợp đồng mua bảo hiểm.
Sau khi Dân Việt có thông tin phản ánh, nhiều bạn đọc đã thông tin đến tòa soạn, cho rằng mình cũng là "nạn nhân" tương tự.
Đầu tiên là trường hợp của bà Lại Thị Thắm (SN 1963, trú tại phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên). Bà Thắm cho hay, ngày 25/04/2022, bà ra Ngân hàng TMCP Quân đội - PGD Trưng Vương (địa chỉ tại chợ Thái, TP.Thái Nguyên) để gửi tiết kiệm.
Tại phòng giao dịch bà Thắm được nhân viên tư vấn nếu gửi lâu thì nên gửi vào gói 5 năm, mỗi năm đóng 50 triệu với lãi suất được hưởng là 8,9%/năm so với lãi suất thường là 6%/năm.
"Tôi đồng ý. Sau đó được hướng dẫn nộp tiền. Khi nộp tiền xong tôi kí giấy. Giống như những lần khác, tôi chờ lấy sổ nhưng mãi không thấy thì một nhân viên cho biết tuần sau mới được lấy.
Như lịch hẹn, tôi đến lấy sổ thì nhận về một quyển sổ to màu xanh khác với mọi lần. Tôi có thắc mắc thì được trả lời là tiền tiết kiệm của tôi đã có trên hệ thống, còn quyển sổ này là để bảo vệ số tiền của tôi. Tôi ra về với sự tin tưởng tuyệt đối với ngân hàng MB", bà Thắm kể lại.
Đến 25/04/2023, theo đúng hẹn, khách hàng đến ngân hàng gửi tiếp 50 triệu đồng. Tại quầy giao dịch bà Thắm yêu cầu giao dịch viên tra soát lãi suất lãi một năm được hưởng chính xác là bao nhiêu.
"Tôi thắc mắc thì nhân viên bảo cái tôi gửi là bảo hiểm nhân thọ. Tôi quyết định không đóng tiếp số tiền 50 triệu đồng và đề nghị nhân viên gửi lại số tiền mà trước đây đã đóng.
Thế nhưng sau nhiều lần không được, đến tháng 7/2023 tôi có nhận được thư với nội dung kết thúc hợp đồng bảo hiểm do vi phạm. Số tiền 50 triệu đồng trước đây tôi đã gửi tiết kiệm không được hoàn lại", bà Thắm cho hay.
Bà Thắm cũng chỉ ra nhiều điểm bất thường trong hợp đồng bảo hiểm: "Tôi là cán bộ nghỉ hưu lại ghi mức thu nhập là 250 triệu đồng/năm. Thông tin cá nhân, chiều cao cân nặng, lịch sử sức khoẻ hoàn toàn không đúng. Trong hợp đồng có nhiều chữ kí online không của tôi", bà Thắm bức xúc.
Trường hợp tiếp theo là của ông Phạm Trí Dũng và bà Trần Khánh Hòa. Sự việc của ông Dũng, bà Hòa cũng như nhiều người dân khác.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, bà Hòa cho biết, vợ chồng bà nhiều năm kinh doanh tại chợ Thái và nhiều năm nay là khách hàng của Ngân hàng TMCP Quân đội.
"Chúng tôi đặt hoàn toàn niềm tin vào ngân hàng, nhân viên tư vấn, thế nhưng họ lại lập lờ, tư vấn không rõ ràng khiến gia đình chúng tôi lao đao", bà Hòa nói.
Ông Dũng nhớ lại, nhân viên chỉ nói tham gia gói tiết kiệm với lãi suất cao, khách hàng cứ tham gia, nếu không đủ nguồn lực có thể rút cả vốn lẫn lãi.
"Hôm tôi gửi, nhân viên bảo bác cứ nộp tiền đi, rồi về cửa hàng đợi nhân viên sẽ mang hợp đồng đến. Nhân viên bảo ký vào 1 tờ giấy để hoàn thành thủ tục và lấy hợp đồng. Bản thân tôi không biết đó là tờ giấy gì, mãi sau mới ngã ngửa là hợp đồng bảo hiểm", ông Dũng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, đã không ít trường hợp tại Hà Nội, Cần Thơ vướng vào rắc rối như những trường hợp tại Thái Nguyên.
Mới đây, theo báo chí phản ánh, tháng 8/2023, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, đã có văn bản gửi Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) Chi nhánh Cần Thơ, yêu cầu xác minh thông tin, báo cáo về việc công dân phản ánh bị lừa gạt bán bảo hiểm có thời gian đáo hạn 82 năm.
Còn ở Hà Nội, anh Đ.T.M (SN 1978, trú tại Hà Nội) cũng phản ánh với báo chí vụ việc tương tự. Sau nhiều thời gian, đến chiều ngày 21/9/2023, anh M được mời đến làm việc tại trụ sở MB Ageas. Đến sáng ngày 25/9/2023, anh M đã được nhận lại toàn bộ số tiền 30 triệu đồng từ phía MB Ageas.
Sau khi nghiên cứu thông tin vụ việc, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho biết, về nguyên tắc, các loại hợp đồng, giao dịch được ký kết giữa các bên phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận và tự định đoạt giữa các bên, các bên đều thấu hiểu hợp đồng trước khi ký, nhận thức được đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ thì đó là quan hệ dân sự.
"Thời gian qua không ít trường hợp đã phản ánh về tình trạng này. Qua sự việc, đầu tiên người dân cần phải nâng cao cảnh giác, đọc cẩn thận từng loại giấy tờ mà mình ký để nắm được đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ.
Trên thực tế, có trường hợp khách hàng tin tưởng ở nhân viên ngân hàng nên thiếu kiểm soát về nội dung, bản chất của giao dịch, vẫn tin tưởng rằng làm việc tại ngân hàng thì mục đích ban đầu của mình vẫn được bảo đảm. Đó là gửi tiết kiệm hưởng lãi cao nhưng thực chất lại trở thành ký hợp đồng bảo hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp", ông Diện nói.
Theo vị luật sư, trong giao dịch có những trường hợp thể hiện dấu hiệu lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết của khách hàng để tư vấn sai lệch, đa nghĩa về hàng hoá dịch vụ, khiến cho khách hàng hiểm nhầm, hiểu sai về dịch vụ.
"Nếu khách hàng phát hiện nhiều điều bất thường trong hợp đồng trong có có chữ ký nếu không phải là của mình, có thể làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ. Nếu có đủ căn cứ, người dân có thể khởi kiện để yêu cầu huỷ hợp đồng, tuyên Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu để yêu cầu trả lại khoản tiền của mình theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015" vị luật sư cho biết.