Vừa trở về từ Tuần lễ Thời trang London 2023 (London Fashion Week 2023) vào tháng 9/2023 với bộ sưu tập thời trang "Di sản – Xuyên không gian" trên nền vải sợi sen của Faslink, nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo, chủ thương hiệu thời trang Tsafari, cho hay: Lối sống xanh, tận dụng mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang trở thành trào lưu trên toàn cầu và đây cũng là thị trường rộng mở cho các công ty khởi nghiệp trên thế giới.
"Ngành thời trang Việt cần kịp thời chuyển hướng sang thời trang bền vững khi người tiêu dùng ngày càng trở ưu tiên sản phẩm xanh", bà Dạ Thảo nhận định.
Theo nhà thiết kế này, bộ sưu tập thời trang "Di sản – Xuyên không gian" được tung ra thị trường sau 4 năm chị nghiên cứu tư liệu lịch sử và tìm chất liệu với sự cố vấn của nhiều chuyên gia phục chế mũ mão, phượng bào tại Huế.
Những mẫu thiết kế trong bộ sưu tập thời trang "Di sản – Xuyên không gian" nổi bật và gây ấn tượng với họa tiết trên gấm bào (hoàng bào của vua chúa) của Việt Nam từ thế kỷ XVI đến XIX được vẽ, in lên vải sợi sen, tơ tằm, chiffon, đũi... Đồng thời, bộ sưu tập cũng được nhà thiết kế tham khảo hoa văn Đại Việt; cùng nhiều ấn phẩm văn hóa, vẽ và thử nghiệm chất liệu, kiểu dáng mới...
"Nhưng gây ấn tượng hơn cả với giới thời trang thế giới là bộ sưu tập này được thiết kế trên nền vải sợi sen của Faslink", nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo nói.
Là một trong những người tiên phong của "thời trang xanh" Việt Nam, nhà thiết kế này nhận định, hướng ngành thời trang đến mục tiêu thân thiện môi trường là hợp xu thế thời đại. Tuy nhiên, để mục tiêu này phát triển dài lâu, rộng khắp là bài toán rất khó.
"Để góp phần giảm thiểu các vấn đề môi trường liên quan đến thời trang, thì ngay từ bây giờ, các tổ chức, các nhà thiết kế, đặc biệt là những người trẻ phải đặt vấn đề thời trang bền vững lên hàng đầu, để dần thay đổi tư duy người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất", bà Dạ Thảo nói thêm.
Tại tọa đàm "Những người tiên phong của thời trang xanh Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng nhận định, thời trang nhanh và thời trang xanh đang "chen chân" nhau trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tuy nhiên, xu thế thời trang nhanh đang dần bị nhiều nước trên thế giới đào thải và đây cũng là cơ hội của các DN thời trang Việt.
Theo bà Kim Hạnh, những năm qua, các chất liệu tưởng chừng phải bỏ đi vì không còn giá trị đã được các NTK trẻ tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo và tận dụng triệt để. Có thể thấy, thời trang xanh cũng bắt đầu hiện diện phổ biến hơn trên thị trường Việt Nam với đa dạng nhóm ngành hàng, sản phẩm như khẩu trang, vớ, áo, thắt lưng, bóp ví... được sản xuất từ nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Chẳn hạn như bã cà phê kết hợp với vi nhựa tái chế đã trở thành một loại vải có khả năng khử mùi cơ thể, độ thấm hút cao, mềm mại và an toàn cho da; vải sợi hàu được kết hợp từ rác nhựa và bột vỏ hàu ứng dụng công nghệ nano hóa, chống tĩnh điện, chống nắng, nhanh khô; vải sợi sen có thể tự làm sạch bề mặt, chống nắng… Các chất liệu này cũng dễ dàng phân hủy hơn so với sợi tổng hợp, từ đó giảm khả năng gây hại cho môi trường.
Là thương hiệu đại diện cho Việt Nam phát biểu về thời trang bền vững và kinh tế tuần hoàn tại Hội nghị APEC (năm 2022), Công ty cổ phần Kết nối thời trang (Faslink) đang nghiên cứu nhiều loại sản phẩm sợi thân thiện với môi trường.
Ông Võ Thành Phước, Trưởng phòng phát triển sản phẩm Faslink cho hay, hiện Faslink đang có đối tác là những thương hiệu hàng đầu trong nước. Tuy nhiên, hành trình tìm ra các loại sợi mới đã khó, nhưng để thương mại hóa được chúng lại càng khó hơn.
Theo ông Phước, phần lớn sợi của Faslink được làm từ hai loại công nghệ, gồm sinh học và polymer. Faslink theo đuổi hành trình tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu mới cho dệt may và biến các loại sợi từ bã cà phê, vỏ chuối, bã mía, vỏ bắp, sợi dứa, vỏ hàu... trở thành nguyên liệu sản xuất thành vải, sản phẩm may mặc.
Mặc dù sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng tất cả loại sợi nêu trên đều đáp ứng yêu cầu cơ bản như giúp tái tạo rác thải trong thiên nhiên, đồng thời có tính năng bền vững. Ví dụ sợi từ bã cafe có tính khử mùi, sợi sen giàu ion âm, collagen rất thân thiện và làm mát cho da… Hơn thế nữa, vải sen được Faslink làm từ lá và hạt sen khi lên đồ lót, sơ mi, khăn choàng... thì mềm, mịn và mát, được khách trong và ngoài nước đặt hàng.
Hay loại vải chế từ vỏ hàu thường được loại bỏ ở bờ biển, trong quán ăn được chế biến thành vải mịn đẹp có thể giúp giảm được nhiệt khi mặc.
"Tuy nhiên, hầu hết các chất liệu "xanh" đều có công nghệ xử lý phức tạp hoặc việc đầu tư cho nguyên liệu đầu vào khá tốn kém, vì thế, giá thành sản phẩm sẽ cao hơn. Đây chính là rào cản lớn khiến các chất liệu thân thiện môi trường chưa được ứng dụng rộng rãi", ông Phước thừa nhận.
Đặc biệt, ngoài vấn đề giá thành, sự quan tâm, nhu cầu thực sự của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng trong việc chuyển sang xu hướng thời trang xanh. Bởi lẽ, nếu không có cầu thì việc tạo nguồn cung cũng không ý nghĩa.
"Với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, thì số tiền để họ bỏ ra sở hữu những sản phẩm thời trang mang tính bền vừng là điều rất khó", ông Phước chia sẻ thêm.