Dân Việt

Rà soát quy hoạch để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trên đất lúa

Thuận An 06/10/2023 12:13 GMT+7
Nhiều nông dân ở xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, nhưng việc chuyển đổi từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác bị vướng nhiều cơ chế.

Nông dân cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa

Ông Lê Tấn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), cho biết trên địa bàn xã hiện có nhiều hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất lúa. Thế nhưng thực tế, trên địa bàn xã không ai trồng lúa nữa. Nguyên nhân do trồng lúa năng suất thấp và dịch bệnh phá hoại mùa màng.

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, ông Cường cho biết người dân muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thì phải đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, để chuyển đổi từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác thì vướng nhiều cơ chế, quy định pháp luật.

Nông dân ở xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) trồng ớt ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: HND Đông Thạnh

Nông dân ở xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) trồng ớt ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: HND Đông Thạnh

Vì thế, lãnh đạo Hội Nông dân xã Đông Thạnh kiến nghị lãnh đạo TP.HCM có cơ chế mở cho nông dân cải tạo đất, và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Trả lời kiến nghị này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết theo Luật Đất đai năm 2013, và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT năm 2015, việc chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động đã quy định cụ thể; đồng thời, việc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.

Do đó, trường hợp như ở xã Đông Thạnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND huyện Hóc Môn cần rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu sử dụng đất tại địa phương. Căn cứ các quy định của pháp luật để đề xuất điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác cho phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển chung của địa phương, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở thực hiện.

Một mô hình trồng rau bằng công nghệ cao ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Ảnh: Thuận An

Một mô hình trồng rau bằng công nghệ cao ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Ảnh: Thuận An

Ngoài ra, việc chuyển từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hội nông dân xã Đông Thạnh liên hệ Sở NNPTNT và Ủy UBND huyện Hóc Môn để được hướng dẫn thực hiện theo quy định của Luật Trồng trọt năm 2018, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, và Nghị định số 35/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.