Theo thống kê của Bệnh viện K, ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Thống kê của Globocan 2020 cho thấy, tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 người mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư.
Ung thư gan có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272, chiếm 21% tổng số ca tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 (6.700 ca).
Ung thư gan 77% gặp ở nam giới, có thể ở bất cứ lứa tuổi nào. Vì vậy ai cũng nên thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Y học Hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nguyên nhân đầu tiên khiến ung thư gan có tỷ lệ tử vong cao ở Việt Nam là do bệnh nhân thường phát hiện ở giai đoạn muộn. Hầu hết các bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì khối u đã có kích thước trên 5cm. Điều này khiến bệnh nhân khó tiếp cận các biện pháp điều trị triệt để hơn.
Đối với các bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, bác sĩ chỉ áp dụng điều trị bệnh trung gian, giai đoạn muộn để kéo dài thời gian và chất lượng sống cho người bệnh.
Theo bác sĩ Phương, ở giai đoạn sớm ung thư gan gần như không có triệu chứng. Đa phần các trường hợp có triệu chứng và đi khám bệnh thì bệnh đã tiến triển tới giai đoạn muộn. Việc bệnh nhân đến khám và điều trị muộn sẽ làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư gan. Ngoài ra, việc sàng lọc các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao còn khiêm tốn.
Có một số ít các trường hợp phát hiện ra ung thư gan ở giai đoạn sớm là tình cơ siêu âm hoặc xét nghiệm chất chỉ điểm khối u thấy có bất thường. Bệnh nhân phát hiện khối u kích thước nhỏ được tiến hành điều trị luôn thường có tiên lượng điều trị rất tốt. Thời gian sống trên 5 năm của bệnh nhân có tỷ lệ lên tới 90%.
Nguyên nhân thứ 2 là tại Việt Nam, ung thư gan thường gặp ở những bệnh nhân mắc xơ gan do viêm gan B, viêm gan C, do rượu, nhiễm độc tố… Vì vậy, gan của bệnh nhân thường xơ teo, mất chức năng gan. Điều này, khiến cho hiệu quả điều trị không cao.
Nguyên nhân thứ 3, gan là một tạng duy nhất của cơ thể. Trường hợp bệnh nhân mắc xơ gan còn bù, phần gan lành sẽ bù chức năng cho phần gan bị tổn thương. Nếu bệnh nhân mắc xơ gan mất bù cơ thể sẽ không có cơ quan khác thay thế.
"Ung thư gan nếu phát hiện sớm hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Tại Nhật Bản, bệnh nhân ung thư gan được điều trị ở giai đoạn sớm nên rất hiệu quả. Ung thư gan có thể phát hiện sớm nếu chủ động tầm soát. Triệu chứng của ung thư gan ở giai đoạn sớm thường rất nghèo nàn. Bệnh khi có triệu chứng thì thường đã ở giai đoạn không còn sớm nữa. Triệu chứng điển hình gặp ở đa số bệnh nhân là đau tức hạ sườn phải, mệt mỏi, chán ăn. Ở giai đoạn tiến triển muộn hơn, người bệnh sẽ đau tăng ở vùng hạ sườn phải và có tình trạng gan to, vàng da, vàng mắt, bụng chướng do có dịch ổ bụng…", bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Phương, đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan thường là: Người xơ gan do nhiễm viêm gan virus; Người xơ gan do rượu; Gan nhiễm mỡ; Nhiễm độc aflatoxin; Người nhiễm viêm gan B, viêm gan C; Gia đình có người mắc ung thư gan…
Đối với những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao, mọi người cần phải tầm soát định kỳ bằng siêu âm ổ bụng và xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu là AFP, tại một số nơi có điều kiện có thể xét nghiệm AFP, AFP-L3, PIVKA II.
"Trường hợp nam giới trên 40 tuổi có tình trạng xơ gan do bất cứ nguyên nhân gì cũng nên tầm soát định kì ung thư gan. Tùy giai đoạn bệnh mà người mắc ung thư gan sẽ được phẫu thuật cắt bỏ thùy gan chứa khối u, ghép gan, đốt sóng cao tần, vi sóng khối u gan, nút mạch hóa chất, xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90, điều trị đích, miễn dịch. Tuy nhiên, nếu ung thư gan ở giai đoạn muộn, ví dụ ung thư đã di căn trong gan, di căn phổi, di căn xương thì tiên lượng bệnh thường xấu, chi phí điều trị rất cao nhưng hiệu quả hạn chế", bác sĩ Phương lưu ý.
Theo chuyên gia, ung thư gan hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Cụ thể như sau:
- Tiêm phòng vắc xin viêm gan B;
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, không uống quá nhiều rượu, hạn chế dùng các loại thực phẩm gây hại cho gan như hóa chất độc hại, thực phẩm có nấm mốc…;
- Người có tình trạng gan nhiễm mỡ, xơ gan cần phải điều trị các bệnh lý ổn định để hạn chế bệnh biến đổi ác tính.
- Người có viêm gan B, viêm gan C nên thường xuyên đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ để giảm nguy cơ tiến triển ung thư ác tính.