Trẻ sử dụng Internet đối mặt nhiều nguy cơ
Tại tọa đàm với chủ đề "Hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet" diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia nhận định việc trẻ em sử dụng điện thoại, máy tính ngày càng nhiều. Do vậy, nguy cơ trẻ đối mặt với những thách thức ngày càng lớn. Trong 6 nhóm rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng, có vấn đề nghiện Internet.
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, điện thoại, máy tính, máy tính bảng hay smartTV đang được trẻ em Việt Nam sử dụng với tần suất ngày càng nhiều hơn. Khảo sát của UNICEF năm 2022 cũng cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%.
Theo báo cáo Việt Nam có hơn 70% dân số dùng Internet, tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam thuộc hàng cao của thế giới. Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số. 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet để học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hằng ngày.
Trong khi đó, theo Bộ LĐTBXH, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5-7 giờ mỗi ngày. Vấn đề bảo vệ trẻ em Việt Nam trên mạng đang đặt ra nhiều thách thức. Trong 6 nhóm rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng có vấn đề nghiện Internet. Thế nhưng cho đến nay, chưa có một tài liệu chính thức nào ở Việt Nam công bố về việc thế nào là các nhóm hành vi xâm hại trẻ em hay cụ thể hóa các rủi ro trên môi trường mạng. Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết mỗi năm Tổng đài chăm sóc và bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận được từ hơn 400 tới 500 cuộc gọi về vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Có những ca do cha mẹ và trẻ em gọi đến tổng đài tư vấn và một số ca thì trực tiếp nhân viên tổng đài gọi tới để can thiệp.
Nghị định 56/2017 có quy định cụ thể các nội dung can thiệp, hỗ trợ cho nhóm trẻ em đối mặt với nguy cơ từ môi trường mạng. Ví dụ, vấn đề nghiện Internet, hay lừa đảo, trẻ em tiếp xúc với các nội dung không phù hợp trên internet. "Thực tế khi tiếp nhận các cuộc gọi cần hỗ trợ, chúng tôi thấy rằng việc can thiệp hỗ trợ cho trẻ em bị nghiện Internet là rất khó khăn. Nó liên quan tới nhiều vấn đề, ví dụ như: Nhân lực; tài chính; thời gian... để "cai nghiện". Vì thế nếu không tăng phòng ngừa thì việc cai nghiện Internet là rất khó khăn" - bà Nguyễn Thị Nga thông tin thêm.
Cần thiết kế nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em
Ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) cho biết, không gian mạng đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống. Trẻ em là thế hệ công dân số mới, mang lại sự thịnh vượng cho không gian mạng, sự thịnh vượng cho quốc gia. Tuy nhiên, việc thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình khiến các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng hơn.
Đại diện Cục An toàn thông tin cũng chỉ ra 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng, đó là: Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật...
Ông Đỗ Dương Hiển - phụ trách dự án trẻ em (Tổ chức Childfund) thì cho rằng độ tuổi sử dụng Internet của trẻ em Việt Nam ngày càng nhỏ hơn. Trong khi đó, các giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng lại vẫn hạn chế. "Nhiều cha mẹ sử dụng mạng xã hội, clip của YouTube giống như một phần thưởng dành cho con. Cần thời gian cho mình để lướt web thì đưa cho con máy. Khi những thông tin liên quan tới việc độ tuổi trẻ em sử dụng Internet Việt Nam ngày càng thấp đi thì điều này đồng nghĩa với việc những khoảng trống cần bổ sung chính sách để bảo vệ trẻ em ngày càng tăng lên" - ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng cho biết, không phải trẻ em nào ở miền núi gặp khó khăn trong việc tiếp cận Internet. Việc sử dụng Internet của các trẻ em vùng sâu, vùng xa hay dân tộc thiểu số hầu như không có khác biệt so với thành phố hay vùng trung tâm. Bởi vì hiện nay VNPT đã phủ sóng tới 97% 3G, 4G còn mạng cáp thì khoảng 100% các xã. Chi phí để trẻ em có thể tiếp cận với Internet không phải quá đắt.
Trước thực trạng đó, nhiều đơn vị đã nghĩ tới giải pháp thiết kế phần mềm để cha mẹ, người giám hộ có thể quản lý trẻ em trên môi trường mạng. Ví dụ hiện nay Trung tâm An toàn thông tin, Công ty VNPT-IT đang phối hợp cùng SafeGate phát triển giải pháp giúp bố mẹ và các gia đình kiểm soát hành vi của trẻ nhỏ trên mạng. Giải pháp công nghệ này sẽ sớm được cung cấp tới 24 triệu hộ gia đình.