Cách đây vài tháng, TTVN thi đấu ấn tượng tại SEA Games 32 và giành 136 HCV, lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn chung cuộc ở một đại hội thể thao khu vực dù không phải nước chủ nhà. So với đoàn thể thao Thái Lan (giành 108 HCV), đoàn TTVN dường như cho thấy sự cạnh tranh sòng phẳng, mạnh mẽ và thậm chí có phần vượt trội khi tại SEA Games 31 trước đó trên sân nhà, TTVN còn dẫn đầu một cách dễ dàng hơn nữa.
Nhưng đến ASIAD 2023, mọi thứ đã lập tức thay đổi và điều đáng nói, đây lại là điều đã được dự báo trước, không hề mang tính bất ngờ. Khi tranh tài ở đấu trường châu lục, Thái Lan lại là quốc gia Đông Nam Á mạnh nhất, giàu thành tích nhất khi giành được 12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ, xếp thứ 8 toàn đoàn.
Đoàn TTVN thì sao? Với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, TTVN không chỉ kém xa Thái Lan mà chỉ đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á về thành tích tại ASIAD 2023, xếp sau cả Indonesia (7 HCV, 11 HCB, 18 HCĐ), Malaysia (6 HCV, 8 HCB, 18 HCĐ), Philippines (4 HCV, 2 HCB, 112 HCĐ) và Singapore (3 HCV, 6 HCB, 7 HCĐ). Việc TTVN chỉ đứng 21/45 đoàn thể thao thi đấu ở ASIAD 2023 có lẽ là quá khiêm tốn so với kỳ vọng từ người hâm mộ.
Nhưng nếu phân tích kỹ lưỡng, có thể thấy đoàn TTVN đã không dễ dàng chút nào trong việc có được 3 HCV tại ASIAD 2023. 3 ngôi quán quân này đến từ bắn súng, karate, cầu mây đều là những môn không có HCV với TTVN ngay ở ASIAD 2018 cách đây 5 năm. Điều đó cho thấy TTVN thiếu sự bền vững, ổn định ở đấu trường ASIAD.
Đáng chú ý, cầu mây không phải lúc nào cũng được tổ chức tại ASIAD (giống pencak silat, môn thể thao mang về 2 HCV cho TTVN ở ASIAD 2018), karate không có trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic. Tấm HCV bắn súng của xạ thủ Phạm Quang Huy tuy giàu cảm xúc nhưng có lẽ mang tính nhất thời bởi tay súng này trước đó không thể hiện được quá nhiều khi dự các giải lớn.
Một dẫn chứng cụ thể nữa về sự thiếu bền vững của TTVN là môn điền kinh. Tại ASIAD 2018, điền kinh Việt Nam giành 1 HCV, 3 HCĐ. Nhưng lần này, không có VĐV hay nội dung đồng đội nào giành được huy chương, thậm chí còn không có nội dung nào VĐV Việt Nam đạt chuẩn tham dự Olympic Paris 2024.
Đánh giá về thành tích của đoàn TTVN ở ASIAD 2023, một tờ báo Indonesia đã bình luận 1 dòng rất đáng để suy ngẫm: "TTVN là "người khổng lồ" ở SEA Games, nhưng chỉ là "chàng tí hon" tại ASIAD".
Trao đổi với truyền thông trong thời gian đoàn TTVN còn dang tranh tài tại ASIAD 2023, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT (Bộ VHTT-DL) phân tích: "Kết quả trên đã nằm trong dự báo. Chỉ có số ít VĐV Việt Nam tham dự ASIAD 2023 đạt đẳng cấp thế giới, nhưng xác suất giành huy chương bị tác động bởi nhiều yếu tố.
Trường hợp VĐV Nguyễn Thị Thật từng vô địch châu Á và giành vé dự Olympic môn đua xe đạp đường trường, nhưng không may chấn thương nên về thứ tư là ví dụ. Hay đương kim á quân thế giới, võ sĩ Nguyễn Thị Tâm mới trở lại sau chấn thương và đụng đương kim vô địch thế giới người Ấn Độ ngay vòng đầu nên bị loại. Ở ASIAD 2023, cử tạ không tổ chức hạng 56kg nam, trong khi thuyền nhẹ môn rowing bỏ nội dung 4 nữ mà Việt Nam từng giành HCV Á vận hội kỳ trước".
Theo ông Đặng Hà Việt, TTVN gặp khó trong xây dựng môn trọng điểm, với 3 yếu tố tác động chính gồm kinh tế, hệ thống tuyển chọn-đào tạo và xu thế thể thao thế giới. Kể cả khi xác định được môn thể thao trọng điểm, TTVN cũng chưa xây dựng được kế hoạch phát triển hoàn chỉnh, bài bản.
Đánh giá về vấn đề này, nhà báo Việt Cường (đã tác nghiệp tại Hàng Châu, Trung Quốc trong thời gian diễn ra ASIAD 2023) cho rằng: "TTVN cần phải xem lại cách đầu tư. Nhiều năm qua, chúng ta vẫn loay hoay xác định đâu là môn thế mạnh, cần chú trọng kỹ lưỡng để đạt thành tích cao và mang tính liên tục, bền vững.
Việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm khiến TTVN có thể mạnh tại SEA Games, nhưng lại rất khó cạnh tranh hoặc thành tích mang tính "chộp giật", nhất thời, phụ thuộc cả vào may mắn khi VĐV vốn không được kỳ vọng lớn lại bất ngờ thăng hoa".
Nhà báo Việt Cường khẳng định: "Thực trạng hiện tại đã có từ nhiều năm trước và đó chính là mâu thuẫn trong quá trình TTVN xác định chiến lược phát triển. Nếu lấy đấu trường SEA Games làm ưu tiên hàng đầu, các nhà quản lý và hoạnh định chiến lược thể thao không dễ toàn tâm toàn ý đặt trọng tâm vào ASIAD hay Olympic.
Chúng ta cần xem xét lại chủ trương và xác định đầy đủ, bài bản, có kế hoạch tỉ mỉ để TTVN đi đúng hướng hơn, có mục tiêu phát triển rõ ràng trong việc vươn ra "biển lớn" thật mạnh mẽ và có thực lực. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ vào việc tập luyện, thi đấu nâng cao thành tích cho VĐV Việt Nam cũng cần phải được cải hiện hơn nữa".