Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 65/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe với nhiều nội dung được Bộ GTVT đề xuất nhằmnâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất quy định việc thành lập cơ sở đào tạo lái ôtô và trung tâm sát hạch lái xe phải phù hợp với các quy hoạch tỉnh, chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của địa phương, vùng xa, miền núi; phù hợp với mật độ dân cư trên địa bàn.
Cùng đó, Cơ sở đào tạo có ít nhất 2 phòng học; Xe tập lái có niên hạn: Bổ sung quy định xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C và hạng FC không quá 25 năm; xe tập lái hạng D, E, FD và FE không quá 20 năm.
Xe sát hạch hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm, xe sát hạch lái xe hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn theo quy định tại Nghị định số 95 đối với ôtô chở hàng và ôtô chở người.
Tại Nghị định 65, xe tập lái, sát hạch chưa được quy định niên hạn. Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung niên hạn xe tập lái, xe sát hạch nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đường bộ nói chung đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bộ GTVT đề xuất, thu hồi giấy phép xe tập lái nếu sử dụng không đúng mục đích; Tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe: Dự thảo bổ sung giáo viên dạy lái xe phải có chứng chỉ sư phạm dạy nghề trình độ sơ cấp nghề, hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1, hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp hoặc tương đương trở lên...
Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất quy định, giáo viên dạy thực hành sẽ bị thu hồi giấy phép khi có hành vi gian lận trong tập huấn và kiểm tra để được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe; vi phạm về tiêu chuẩn giáo viên; giấy bị tẩy xóa, sửa chữa; cho người khác thuê, mượn để sử dụng hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ để xảy ra tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên. Nội dung này được bổ sung nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của giáo viên đào tạo lái xe.
Nêu ra thực trạng đào tạo sát hạch giấy phép lái xe trong những năm qua, Bộ GTVT cho biết, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, sát hạch tại một số địa phương còn tồn tại hiện tượng đào tạo vượt lưu lượng; giám sát tập huấn giáo viên dạy thực hành lái xe chưa nghiêm túc.
Ngoài ra, một số địa phương chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức; xét duyệt thí sinh dự sát hạch chưa đủ điều kiện; công tác sát hạch còn có nơi thực hiện chưa nghiêm.
Những đề xuất nếu trên đã nhận được các ý kiến góp ý phản hồi từ sở GTVT các tỉnh, thành phố. Đối với đề xuất quy định việc thành lập cơ sở đào tạo lái ôtô và trung tâm sát hạch lái xe, Lãnh đạo Sở GTVT TP.Hải Phòng cho rằng: "Cơ sở đào tạo lái xe ô tô là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe ô tô".
Sở GTVT TP.Hải Phòng đề nghị xem lại nội dung này vì thực tế tại các cơ sở đào tạo lái xe không chỉ thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe ô tô. mà còn thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ đào tạo kỹ năng cho người có nhu cầu học lái xe để phục vụ các mục đích, hoạt động khác theo yêu cầu của người học.
Lãnh Sở GTVT Hải Phòng đề nghị xem xét sửa đổi quy định tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy thực hành lái xe phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để phù hợp với các quy định hiện nay tại các Thông tư của Bộ Lao động, Thương binh, xã hội.
Cũng góp ý về nội dung thu hồi giấy phép của giáo viên dạy lái xe, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy định thu hồi giấy phép đào tạo lái xe và giấy chứng nhận Trung tâm sát khạch lái xe đủ điều kiện hoạt động đối với trường hợp trong quá trình hoạt động tạm dừng hoạt động trên 24 tháng.
Cũng theo đại diện Sở GTVT tỉnh Hải Dương góp ý, việc quản lý đào tạo lái xe hiện nay chưa rõ ràng trách nhiệm của: Cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề, cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải dễ dẫn đến chồng chéo, không rõ trách nhiệm.
Cụ thể: Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh và quản lý người học; tự chủ trong các hoạt động thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học và xã hội về tổ chức, quản lý hoạt động và chất lượng đào tạo của mình.
Về đào tạo nghề: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, tại địa phương Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp;
Về Nghị định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe: Sở GTVT tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện quy định tại Nghị định này; chỉ đạo trung tâm sát hạch lái xe thực hiện sát hạch lái xe cho cơ sở đào tạo lái xe ô tô thuộc quyền quản lý. Trường hợp địa phương không có trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động thì tổ chức sát hạch tại địa phương khác.
Liên quan tới những nội dung nêu trên, trao đổi với PV Dân Việt, anh Đức Phương – Trưởng phòng kinh doanh Công Ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ MB Ageas cho rằng: "Đào tạo sát hạch lái xe là một nghề mang tính chất đặc thù có phần rủi ro khi tham gia giao thông, đào tạo sát hạch lái xe. Do đó, cần thiết phải có quy định điều kiện năm sản xuất của xe ô tô dùng cho việc sát hạch lái xe".
Ông Phương cho hay: "Việc sử dụng ôtô cũ (chất lượng kém) dùng cho việc sát hạch lái xe gây mất an toàn trong sát hạch đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện bài thi sát hạch của học viên (mặc dù trước các kỳ sát hạch có kiểm tra, tuy nhiên qua 2 hoặc 3 vòng thi sát hạch thì có thể phát sinh lỗi kỹ thuật do xe đã qua nhiều năm sử dụng, độ bền kém)".
"Việc đào tạo sát hạch lái xe cũng cần bổ sung thêm quy định về việc chế độ bảo hiểm của phương tiện và mua bảo hiểm cho học viên học lại. Vì như vậy, sẽ tránh được thiệt hại, nếu trong quá trình học lái xe xảy ra rủi ro ngoài ý muốn", anh Phương kiến nghị.
Là cơ quan soạn thảo dự thảo sửa đổi Nghị định số 65/2016, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái ,Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Hiện nay, Cục đã nhận được ý kiến góp của Sở GTVT các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan".
"Chúng tôi đang tổng hợp các ý kiến của các Sở GTVT, các đơn vị để có đánh giá, xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Vì đây là vấn đề có sức ảnh hưởng rất lớn tới xã hội và người tham gia giao thông", ông Thống.