Theo Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (AHTP), mục tiêu của các chương trình này là nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm an toàn.
Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, Thành phố ưu tiên tập trung về nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm, sản xuất các giống cây trồng, chế phẩm sinh học.
Tính đến nay, TP.HCM đã sưu tập và lưu giữ nguồn gen của gần 1.000 giống hoa, cây kiểng, rau và dược liệu phục vụ công tác lai tạo giống, chọn giống mới thích nghi với điều kiện khí hậu.
TP.HCM đã chọn được 1.157 dòng thuần các giống dưa lưới, ớt ngọt, dưa leo và cà chua bi; tạo dòng hoa lan mới bằng phương pháp chiếu xạ tổ hợp lai giữa lan nhập nội và lan rừng Việt Nam.
Tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu được thực hiện. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, đến nay đã có 9 tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, cùng nhiều giống hoa, rau được công nhận tiêu chuẩn cơ sở, đang thực hiện đăng ký bảo hộ.
TP.HCM đang hoàn thiện hơn 20 quy trình nhân giống invitro, tập trung chủ yếu trên các giống hoa lan, kiểng lá, dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu tại Thành phố, và đáp ứng sở thích của người tiêu dùng.
Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã nghiên cứu, xây dựng hơn 20 quy trình kỹ thuật trồng một số loại rau và hoa ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được hơn 160 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên các đối tượng rau ăn lá, rau ăn quả, hoa lan và cây kiểng, nấm ăn và nấm dược liệu phục vụ đào tạo, tham quan, học tập.
Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao cũng đã triển khai xây dựng 198 mô hình trồng rau ăn lá, ăn quả theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ sinh học, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; 179 mô hình chủ yếu hoa lan, cây mai vàng và hoa nền theo chương trình nông nghiệp công nghệ cao.
Trong công tác nghiên cứu chế tạo các chế phẩm sinh học (phòng trừ dịch hại, phân bón thế hệ mới) , Trung tâm đã sưu tập và bảo tồn được khoảng 600 chủng giống vi sinh vật phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học.
Đến nay đã có 10 chế phẩm sinh học, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được cấp phép lưu hành; 2 sản phẩm trà túi lọc linh chi và trà túi lọc nhộng trùng thảo – gạo lức được đăng ký lưu hành trên thị trường.
Nhiều quy trình công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong phòng trừ bệnh, xử lý môi trường… đã được hoàn thiện và đang tiến hành các thủ tục đăng ký lưu hành.