Dân Việt

Cục trưởng Cục Nhà giáo: Xử lý nghiêm hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo

Lê Vân 10/10/2023 07:21 GMT+7
Vừa qua, liên tiếp xảy ra các sự việc giáo viên có hành vi lệch chuẩn đối với học sinh, khiến dư luận bất bình và thêm một lần đặt ra vấn đề đạo đức nhà giáo.

Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, xung quanh vấn đề này.

Cục trưởng Cục Nhà giáo: Xử lý nghiêm hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo - Ảnh 1.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: TĐ

Thưa ông, dư luận đang rất bất bình trước hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh của một số giáo viên. Đây không phải lần đầu tiên có nhà giáo hành xử lệch chuẩn, thậm chí, công an cũng phải vào cuộc trước một số vụ việc có dấu hiệu hành hung. Với tư cách là Cục trưởng Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Giáo viên có hành vi lệch chuẩn là việc đáng buồn với ngành giáo dục. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là xem xét và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, quy định của ngành. Đồng thời, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để nhà giáo cùng rút kinh nghiệm chung.

Nghề giáo là nghề đặc biệt, sản phẩm giáo dục là nhân cách của con người. Vì vậy, Bộ luôn chú trọng vấn đề đạo đức của nhà giáo. Luật Giáo dục trước đây và Luật Giáo dục năm 2019 đều có quy định điều kiện để trở thành giáo viên, đó là phải là người có đạo đức tốt.

Năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết đinh số 16/2008/QĐ-BGDĐT, quy định về đạo đức nhà giáo. Trong những năm tiếp theo, Bộ đều có các công văn để đôn đốc về thực hiện đạo đức nhà giáo trong  các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh việc triển khai các văn bản có tính chất quy định, quy phạm như vậy, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai nhiều cuộc vận động như: Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo”; Cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; Kế hoạch của Công đoàn ngành về “Nâng cao năng lực sư phạm về đạo đức nhà giáo”... Có thể nói, Bộ rất quyết liệt trong việc thực hiện đạo đức nhà giáo.

Mặc dù Bộ GD&ĐT quyết liệt như vậy, nhưng những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo vẫn xảy ra và gây tác động lớn đến môi trường sư phạm. Phải chăng những quy định này chưa đủ nghiêm minh?

Như đã nói ở trên, quan điểm của Bộ GD&ĐT  là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật, quy định của Ngành trong các hoạt động giáo dục, đặc biệt với các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.

Ngành giáo dục thi hành xử lý kỷ luật những trường hợp giáo viên có hành vi vi phạm, thậm chí là buộc phải ra khỏi ngành. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải chuyển các cơ quan điều tra để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Không có vùng cấm, bao che hay xử lý xuê xoa trong những hành vi vi phạm với đạo đức nhà giáo.

Bộ GD&ĐT đã ban hành các quy định đạo đức nhà giáo khá đầy đủ, chặt chẽ. Các cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc, thường xuyên. Tuy nhiên, nơi này, nơi khác còn có hiện tượng giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực. Mặc dù đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ của một số ít nhà giáo, nhưng gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh nhà giáo, cũng như uy tín của toàn Ngành.

Cục trưởng Cục Nhà giáo: Xử lý nghiêm hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo - Ảnh 2.

Một clip được quay lại trong lớp học Trường THPT Phan Huy Chú, Thạch Thất, Hà Nội với tựa đề: "Thầy giáo lại ứng xử không giống thầy giáo”. Ảnh chụp màn hình

Nguyên nhân chính là giáo viên chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy định của Bộ về đạo đức nhà giáo; chưa thường xuyên tự soi, tự sửa, tự rèn; kỹ năng ứng xử tình huống sư phạm, kỹ năng kiềm chế cảm xúc của các thầy, cô còn có hạn chế. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác như tâm lý, hoàn cảnh, sức khỏe của các thầy cô giáo, bởi nói cho cùng, các thầy, cô giáo cũng có những buồn, vui, cáu giận như bao người bình thường khác. Có lúc, thầy cô cũng chịu tác động bởi những yếu tố bên ngoài, trong một khoảnh khắc nào đó có những hành động bộc phát, thiếu kiềm chế dẫn tời vi phạm các quy định của ngành.

Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều nghiên cứu về những nguyên nhân sâu xa này; từ đó đưa ra những hoạt động để hỗ trợ đội ngũ nhà giáo (kỹ năng như kiềm chế cảm xúc, các kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm), triển khai xây dựng trường học hạnh phúc… để làm sao, mỗi giáo viên làm tốt nhiệm vụ của mình, không để xảy ra những vi phạm đáng tiếc.

Về đạo đức nghề nghiệp, nghề giáo có quy định gồm 24 nội dung và được ban hành từ năm 2008. Có ý kiến cho rằng,  quy định này không còn “hợp thời” và cần có những điều chỉnh để khuyến khích sự tích cực của nhà giáo, thưa ông.

Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo năm 2008. Đến nay, ngành giáo dục đã có 15 năm thực hiện quy định này. Về cơ bản, quy định này phù hợp với tình hình hiện nay, sát với thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của giáo viên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn hơn, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Trong thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo cần tránh hai khuynh hướng: Một là, không nghiêm túc thực hiện nội dung quy định này dẫn tới giáo viên không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để có hành vi ứng xử phù hợp; Hai là, lạm dụng mạng xã hội tạo áp lực rất lớn khi giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực, làm cho các giáo viên khác trở nên e dè khi phải xử lý các tình huống vi phạm của học sinh.

Ngành giáo dục, các nhà trường và đội ngũ giáo viên rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục học sinh. Nếu học sinh ngoan, chăm chỉ học tập, biết vâng lời cha mẹ và thầy, cô giáo, có tư duy phản biện và kỹ năng ứng xử tốt sẽ hạn chế nhiều sự việc đáng tiếc.

Bên cạnh đó là sự cảm thông, chia sẻ và ứng xử tôn trọng đối với nghề giáo của phụ huynh, của truyền thông và của toàn xã hội.

Trong tuyển sinh ngành sư phạm cũng như đào tạo, bên cạnh điểm chuẩn, kiến thức, Bộ GD&ĐT có yêu cầu thêm gì với các trường sư phạm không, thưa ông?

Ngành giáo dục đề cao hai khía cạnh: Dạy chữ và dạy người. Sản phẩm của ngành giáo dục là con người. Để làm việc này, Bộ đã chú trọng ngay công tác tuyển sinh ở các trường sư phạm.

Tại Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT năm 2018 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo do Bộ GD&ĐT ban hành, đã yêu cầu các trường sư phạm gắn nội dung kiến thức với năng lực nghề, đạo đức nhà giáo, kỹ năng ứng xử cho sinh viên; giúp các em có nền tảng  và kiến thức, kỹ năng tốt trước khi trở thành giáo viên .

Trong quá trình tuyển dụng giáo viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục chú ý lý lịch bản thân, kỹ năng ứng xử của các ứng viên. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển dụng giáo viên đang do ngành nội vụ thực hiện theo quy định của Chính phủ; giáo viên được tuyển dụng chung quy trình, quy định, tiêu chuẩn như các viên chức ngành nghề khác. Vì thế nội dung về đạo đức nhà giáo, phong cách giáo tiếp, kỹ năng ứng xử có thể chưa được chú trọng.

Về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến với Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền để khi tuyển dụng giáo viên, bên cạnh kiến thức chung như các ngành nghề khác cần chú trọng hơn tới vấn đề đạo đức nhà giáo.

Với đội ngũ giáo viên, ngay từ khi tuyển dụng, các nhà trường, cơ sở giáo dục chú trọng quán triệt các  quy định về đạo đức nhà giáo; đồng thời hỗ trợ các kỹ năng cho giáo viên trẻ thì các hành vi vi phạm từ phía giáo viên sẽ hạn chế hơn.

Mới đây, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Vậy trong Luật này, Bộ GD&ĐT sẽ làm rõ những quy định với đạo đức nhà giáo ra sao, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục?  

Luật Nhà giáo được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Trong thiết kế chung của Luật Nhà giáo, chúng tôi có điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ nhà giáo, quy định tiêu chuẩn, tiêu chí trở thành nhà giáo, trong đó có quy định cụ thể hơn về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.

Luật sẽ có những quy định về một số người không được tuyển dụng làm nhà giáo nếu đã từng có các hành vi vi phạm như: có hành vi bạo lực, cố ý gây thương tích cho người khác; hành vi xâm hại tình dục, ngược đãi cha mẹ, … kể cả tại thời điểm tuyển dụng người đó đã được xóa án tích. Điều này nhằm tránh nguy cơ có thể phát sinh hành vi lệch chuẩn.

Rõ ràng khi đã thành Luật, đã có chế tài thì việc thực hiện sẽ nghiêm túc hơn so với các quy định hiện nay.

Trong Luật Nhà giáo dự kiến có nội dung bảo vệ nhà giáo khi sử dụng các biện pháp giáo dục tích cực để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường. Nếu chỉ quan tâm đến thực hiện đạo đức mà không chú ý đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong nhà trường thì hiệu quả giáo dục sẽ không được như mong muốn, chúng ta sẽ không tạo ra được thế hệ học sinh có năng lực và phẩm chất như yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam đã được nêu trong Nghị quyết 29 (khóa XI) của Đảng.

Trân trọng cảm ơn ông!