Chị Nguyễn Thị Miền (Hải Dương) cho biết, cả 3 con của chị đều đăng ký học liên kết về kỹ năng mềm, tiếng Anh tại trường. Khi được hỏi về lý do đăng ký cho con học, chị Miền cho biết: “Cả lớp ai cũng học, con mình không học cũng không được, nếu không học nhà trường cũng vận động để con đi học”.
Theo chị Miền, nhà trường thông báo việc học là tự nguyện, thế nhưng với con gái chị đang học lớp 7, đầu năm học, cả lớp được cô giáo hướng dẫn tự viết đơn tự nguyện xin học các lớp liên kết, đơn này sau khi học sinh viết tay sẽ đưa cho bố mẹ ký tên, nộp lại nhà trường. Với lớp nhỏ hơn ở bậc tiểu học, nhà trường có sẵn mẫu đơn yêu cầu phụ huynh viết và nộp lại.
Phụ huynh này cho rằng, việc học liên kết "tiếng là tự nguyện, nhưng thực chất đều là vì nể nhà trường, vì lý do này, lý do kia mà phải đăng ký học”.
Chị Miền cho biết thêm, khi con học các lớp về kỹ năng, có khá nhiều kiến thức bổ ích như PCCC, phòng chống đuối nước, đây sẽ là những kỹ năng sống quan trọng và bổ ích nếu trẻ được học một cách hiệu quả. Thế nhưng các tiết dạy về phòng chống đuối nước cũng chỉ được học qua sách vở, không có thực hành, nên không thể có hiệu quả. Tương tự, các tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài cũng chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”: “Sĩ số lớp đông, mỗi con có một năng lực khác nhau, bởi vậy khi dạy các thầy cô khó có thể quan tâm từng học sinh. Dù học liên kết với giáo viên nước ngoài, nhưng khi tôi hỏi lại bài, con đều nói không hiểu, không thể theo kịp, thậm chí thầy giáo người nước ngoài cứ giảng, còn học sinh không thể hiểu thầy nói gì. Dù không hiệu quả, nhưng các bạn học, con mình không học cũng không được”, chị Miền nói.
Chị Nguyễn Thùy Dung (Đống Đa, Hà Nội) phụ huynh bậc tiểu học cũng cho rằng, việc học liên kết không hiệu quả, nhưng phụ huynh vẫn phải ký vào những lá đơn "tự nguyện" một phần vì không muốn con bị nhà trường "chú ý" đặc biệt, một phần vì nếu không đăng ký học, thời gian đưa đón con đi học sẽ rất bất tiện.
"Cùng số tiền học liên kết ở trường, nếu cho con tham gia các trung tâm bồi dưỡng bên ngoài sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nhà trường đầu năm đều phổ biến về việc học liên kết, nhưng phụ huynh chưa thấy đánh giá về việc học các tiết này hiệu quả thực tế đến đâu", chị Dung nói.
Nói về vấn đề dạy liên kết trong nhà trường, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên tại Hà Nội cho rằng, việc các trường liên kết với các trung tâm để tổ chức dạy học trong nhà trường hiện nay có nhiều vấn đề và chưa thực chất, chưa xuất phát từ nhu cầu của học sinh.
Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, chất lượng liên kết giáo dục đang bị thả nổi. Theo quy định, các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp được các trường tổ chức theo tinh thần thoả thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh. Phụ huynh hoàn toàn có thể lựa chọn đăng ký cho con học hoặc không, tuỳ vào điều kiện, nhu cầu của mỗi gia đình.
“Các đơn vị liên kết đã được Sở GD-ĐT cấp phép, thẩm định chương trình. Khi trường chọn đơn vị liên kết bổ trợ, nhà trường cần nghiên cứu hồ sơ, làm tờ trình lên Phòng GD-ĐT, xin ý kiến tổ chức trên tinh thần thoả thuận với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, khác với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy định, thực tế là không có quy định và cũng không có nguồn lực để đánh giá vì thế xã hội lo ngại về chất lượng cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, do liên quan đến lợi nhuận nên có thể các đơn vị sẽ cố gắng để “trúng thầu”, không loại trừ các tiêu cực nảy sinh và vì thế chất lượng cũng sẽ không được đảm bảo", thầy Tùng lo ngại.
Thầy Trần Mạnh Tùng cũng cho rằng, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu, khi để xảy ra những bất cập về dạy và học liên kết trong các nhà trường.
“Thời gian gần đây chúng ta hay nhấn mạnh vai trò người đứng đầu. Vì thế, trách nhiệm chính nằm ở Hiệu trưởng, phòng giáo dục, Sở GD-ĐT và cả Bộ GD-ĐT. Về phía các cơ quan quản lí đã không có những hướng dẫn đầy đủ và hiệu quả nên việc triển khai mỗi nơi một kiểu dẫn đến những bức xúc trong dư luận xã hội những ngày qua.
Về phía nhà trường, hiệu trưởng là người quyết định việc này và chịu trách nhiệm toàn diện với việc liên kết cũng như các sai phạm nếu có. Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các Sở GD-ĐT báo cáo trước 15/10 song tôi đề nghị Bộ không nên ngồi chờ thông tin mà cần chủ động kiểm tra, nhất là với những nơi có dấu hiệu sai phạm. Nếu cần thiết có thể đề nghị lực lượng công an hỗ trợ, xử lí nghiêm để làm gương. Bên cạnh đó, cũng cần đưa ra các hướng dẫn, các yêu cầu cụ thể, rõ ràng để các địa phương áp dụng đúng quy định và triển khai hiệu quả. Đặc biệt cần sửa ngay Thông tư 17 có từ năm 2012, hiện nay đã lỗi thời, vá víu và không thực tế”, thầy Tùng nhấn mạnh.
Với các Sở GD-ĐT, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng cần rà soát, chấn chỉnh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của học sinh. Về phía phụ huynh, học sinh cũng cần tăng cường giám sát, lên tiếng khi phát hiện những sai phạm hay cách làm không đúng quy định, không hiệu quả khi dạy liên kết.
Khẳng định việc liên kết là cần thiết, song theo thầy Tùng, tùy theo điều kiện, nhu cầu của các nhà trường, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ và tiến bộ. Hoạt động liên kết đang diễn ra thực chất chưa hẳn vì quyền lợi của học sinh mà vì lợi nhuận, vì quyền lợi của người lớn. Việc đưa tiết liên kết vào giờ học chính khóa là sai quy định, phản giáo dục và ảnh hưởng xấu đến tâm lí, suy nghĩ của học sinh. Về lâu dài, cần bỏ hẳn dạy thêm học thêm trong nhà trường, tránh học chính, học thêm lẫn lộn, để nhà trường làm tốt nhất vai trò của mình, hạn chế các tiêu cực, đúng với tiêu chí “đi học là hạnh phúc”. Việc dạy thêm nên được quy định là “loại hình kinh doanh có điều kiện” để siết chặt và quản lí cho tốt.