Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Nguyễn Thị Huyền, phụ huynh có 2 con học lớp 8 và 4 kể: "Không có tối nào cả nhà ngồi ăn với nhau cho đúng bữa. Tất cả các ngày trong tuần, mẹ con đều chạy "sô" đi học thêm buổi tối. Cuối tuần chị Huyền tiếp tục "nhét" con học các buổi còn trống lịch. Chị Huyền cho hay: "Nếu không đi học, con sẽ thua thiệt với các bạn".
Chị Cao Phương Lan, phụ huynh có con học lớp 1 ở Hà Nội cho biết: "Thấy con đi học tiểu học thôi mà vất vả quá. Con đi học cả ngày ở trường rồi tối lại phải làm quá nhiều bài tập về nhà hoặc đi học thêm. Cặp sách con lúc nào cũng nặng trĩu. Ngày nào nhìn con đi học mà tôi xót xa. Chẳng lẽ chương trình học ở trường cả ngày vẫn chưa đủ sao?".
Theo chị Lan, đúng là không thể phủ nhận rằng học là việc quan trọng. Đối với cấp Tiểu học thì việc học còn vô cùng quan trọng vì tạo nền tảng kiến thức lẫn ý thức và góp phần hình thành nhân cách con người. Song chỉ có học thôi chưa đủ, các con còn cần đến những hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao...
Đồng quan điểm, 2 tuần trở lại đây, mẹ con chị Nguyễn Thu Hằng (Hà Nội) luôn trong tình trạng căng thẳng với nhau. Bản thân chị Hằng uống thuốc đau đầu liên tục vì suy nghĩ làm thế nào để hướng dẫn con học tốt nhất.
"Ngày nào cô giáo cũng nhắn tin cập nhật tình hình học tập của con ở lớp khiến tôi áp lực thật sự. Tối nào hai mẹ con cũng vật lộn với nhau, không phải vì bài tập cô giáo giao nhiều mà thấy bài khó quá. Con bị đuối sức không làm được hết thành ra nản chí. Mà khó thật khi chính mẹ cũng phải "tìm trợ giúp của người thân" vì không giải được.
Tôi thiết nghĩ không cần con sau này phải "ông nọ, bà kia" mà cần giải những bài toán khó, bài toán đánh đố... tôi chỉ cần con đọc thông viết thạo, làm toán tốt là ổn rồi. Tuy nhiên, vì chương trình học nên tôi đành bắt buộc cho con học thêm nhà cô. Nhìn con thương lắm. Chiều vừa tan học ở lớp là mẹ con ăn vội bánh mì đến nhà cô học tiếp", chị Hằng cho hay.
Điều đáng nói, theo chị Hằng, 2 buổi học ở trường vẫn chỉ loanh quanh kiến thức trong sách giáo khoa khi còn nhiều lĩnh vực khác cần quan tâm. "Tôi rất mong chương trình học của các em giảm tải. Buổi sáng học kiến thức, buổi chiều cùng cố lại rồi cho học sinh tham gia các câu lạc bộ đàn, hát, thể thao theo nhu cầu. Tôi tưởng con tôi học không bằng các bạn nên phải cho đi học thêm, thực tế học 2 buổi ở trường rồi nhưng rất nhiều phụ huynh cho con đi học thêm buổi tối. Nếu không học, không theo được các bạn", chị Hằng cho hay.
Ngoài chữ, học sinh tiểu học cần biết điều gì?
Chia sẻ về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thẳng thắn: "Ngoài việc học, các em cần rất nhiều điều khác để phát triển toàn diện. Đó là các kỹ năng như tự chăm sóc bản thân; Kỹ năng phòng tránh và ứng phó khi gặp hiểm nguy là nội dung vô cùng quan trọng như bắt cóc xâm hại, hoả hoạn; đuối nước; bỏng; tai nạn thương tích... Kỹ năng phòng tránh thảm họa như con cần biết ứng xử phù hợp khi bị ai đó đe dọa, bị đeo bám, bị dồn ép… Đặc biệt, tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ, vẽ... là cách hay nhất để trẻ phát triển cơ thể hoàn chỉnh, khỏe mạnh. Thời gian tiểu học không chỉ có học bài".
Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.
Trước ý kiến của phụ huynh về việc học quá tải, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GDĐT cho biết: "Thông thường cứ học sinh than mệt thì nhiều người nghĩ ngay đến chương trình nặng, quá tải. Nhưng việc này cần phải được xem xét cụ thể, phân tích để làm rõ nguyên nhân. Vướng mắc ở đâu, xử lý ở đó.
Trong những đợt Bộ GDĐT đi kiểm tra, dự giờ ở một số trường thì thấy, vẫn là chương trình như nhau, có nơi giáo viên tổ chức dạy học hợp lý, học sinh học hiệu quả mà không bị căng thẳng. Nhưng cũng có nơi, cách tổ chức dạy học chưa hợp lý. Ví dụ như giáo viên tổ chức quá nhiều hoạt động, áp dụng nhiều phương pháp dạy học trong một tiết học. Giáo viên giao nhiều nhiệm vụ cho học sinh, trong khi không bố trí đủ thời gian để học sinh có thể thực hiện. Trường hợp giáo viên không căn cứ vào chương trình, yêu cầu cần đạt với học sinh mà bám sát sách giáo khoa một cách cứng nhắc.
Vì áp lực mong muốn học sinh có điểm số tốt các bài kiểm tra định kỳ nên giáo viên tăng tốc ôn tập, ra quá nhiều bài tập không cần thiết khiến học sinh phải "chịu tải" nặng hơn trong một khoảng thời gian nhất định ở nhiều môn học khác nhau.
Với những trường hợp như trên, sự quá tải của học sinh rõ ràng là do cách tổ chức dạy học, luyện tập của giáo viên chưa hợp lý và các trường cần chỉ đạo tổ chuyên môn trao đổi, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục".