"Thiếu gì học nấy" là phương châm mà các TTHTCĐ của tỉnh Hòa Bình đưa ra. TTHTCĐ đã mở ra cơ hội học tập cho tất cả người dân.
Môi trường học tập thiết thực
TTHTCĐ xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc) được xây dựng từ năm 1998. Ông Xa Quy Dành - năm nay đã ngoài 70 tuổi và cũng là thành viên tích cực của TTHTCĐ xã Cao Sơn. Ngày nào mở lớp, ông Dành cũng tham gia. Các học viên của trung tâm gồm có đủ già trẻ, gái, trai. Họ đến với trung tâm với mong muốn được học hỏi kiến thức phục vụ cho cuộc sống. Theo ông Dành, từ khi trung tâm mở ra, bà con dân tộc coi đây là cơ hội để học tập, mở mang kiến thức. Đến lớp, bà con cũng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi hay trồng trọt và cả việc xử lý chuyện gia đình.
"Việc cung cấp khóa học và hoạt động giáo dục linh hoạt tại TTHTCĐ giúp mở rộng cơ hội học tập cho mọi người, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển cộng đồng".
Ông Nguyễn Minh Thành -
Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình
"Đến lớp học tinh thần ai cũng phấn chấn. Nhiều vấn đề trong quan hệ gia đình mà chúng tôi chưa biết cách xử lý, đến lớp học được các giáo viên chia sẻ, tôi đã học hỏi được nhiều điều" - ông Dành cho biết.
Mô hình TTHTCÐ cấp xã được xây dựng thí điểm tại xã Cao Sơn vào tháng 10/1998, đến nay đã nhân rộng ra 214/214 xã, phường, thị trấn, thu hút hơn 462.000 lượt người học chuyên đề tại TTHTCÐ và hơn 562.000 lượt học viên theo học các chương trình về giáo dục huấn luyện. Các TTHTCĐ đã huy động hơn 477.000 lượt học viên tham gia vào các hoạt động văn hóa như đọc sách báo, sinh hoạt câu lạc bộ thơ, hoạt động văn hóa, văn nghệ...
Không riêng gì huyện Đà Bắc, ở khắp các huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình đều xây dựng TTHTCĐ. Đến dự một buổi học tại TTHTCĐ xã Bắc Phong (huyện Cao Phong) mới cảm nhận được không khí học tập đã lan tỏa tới từng ngõ xóm. Lớp học đưa ra nhiều chuyên đề mang tính thiết thực, hiệu quả, thu hút sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương: "Tác hại chất thải nhựa tới sức khỏe cộng đồng" được phụ nữ xóm Má 1 học tập, ứng dụng triển khai thành mô hình "Thu gom phế liệu gây quỹ, bảo vệ môi trường". Số tiền sau khi bán phế liệu sử dụng vào việc mua phân, giống hoa trồng hai bên đường làng, ngõ xóm, ngoài ra trích quỹ mua sách vở tặng con em thành viên mô hình có thành tích cao trong học tập. Hay chuyên đề "Kỹ năng ứng xử chia sẻ với người xung quanh" sau được hiện thực hóa thành mô hình "Cửa hàng 0 đồng", giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, tạo sự gắn kết, sẻ chia sâu sắc trong cộng đồng xóm, xã…
Ông Bùi Xuân Thiết - Giám đốc TTHTCĐ xã Bắc Phong chia sẻ, con đường hoa ở xóm Hải Phong là kết quả của việc thiết thực hóa chuyên đề "Bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp" do TTHTCĐ xã tổ chức. Nội dung của chuyên đề đã không dừng lại ở lý thuyết mà được ứng dụng vào thực tế cuộc sống, tạo được sản phẩm sinh động là con đường hoa và câu lạc bộ yêu hoa. Mô hình dự kiến nhân rộng ra toàn xã trong thời gian tới.
Trường học của nhân dân
TTHTCĐ được thành lập gắn với những hoạt động giáo dục và học tập đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng địa phương. Mục tiêu chính của TTHTCĐ là tạo ra môi trường học tập thuận lợi cho mọi thành viên trong cộng đồng, bất kể tuổi tác, giới tính hay trình độ học vấn. Trung tâm thúc đẩy việc học tập suốt đời và phát triển cá nhân thông qua việc cung cấp các khóa học, buổi đào tạo và hoạt động giáo dục mang tính cộng đồng.
Một trong những đặc điểm nổi bật của TTHTCĐ là sự đa dạng của các chương trình học. Trung tâm cung cấp các khóa học về nhiều lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, kỹ năng sống, nghề nghiệp, kỹ thuật, công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của cộng đồng và tạo điều kiện cho mọi người phát triển kỹ năng và kiến thức mới.
Ngoài ra, TTHTCĐ cũng thường tổ chức các hoạt động xã hội và văn hóa, nhằm tạo ra sự giao lưu và tương tác giữa các thành viên trong cộng đồng. Các hoạt động như buổi triển lãm, hội thảo, câu lạc bộ đọc sách và các sự kiện văn hóa địa phương khác không chỉ giúp mọi người gặp gỡ, giao lưu mà còn thúc đẩy sự tương tác và hợp tác trong cộng đồng.
Thống kê của Sở GDĐT Hòa Bình, đến nay 210 trong tổng số 210 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã thành lập hội khuyến học và TTHTCĐ, đạt 100%. Ðã có 1.729 trong số 2.108 tổ, xóm, thôn, bản thành lập hội khuyến học với 2.675 hội viên. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự chủ động, tích cực của ngành GDÐT, của Hội Khuyến học, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tâm nhất trí ủng hộ sự nghiệp giáo dục và nhu cầu học tập đã được nâng lên ở mỗi người dân.
Ông Nguyễn Minh Thành - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình cho biết: "Toàn tỉnh đã xây dựng được 210 TTHTCÐ. Đây thật sự là trường học của nhân dân, là yếu tố quan trọng để thực hiện xã hội học tập".
Cũng theo ông Thành, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010, toàn tỉnh đã huy động hơn hai triệu lượt người theo học tại các TTHTCÐ, trong đó có hơn 24.000 người học theo các hình thức xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 trở lên và giáo dục tiếp tục sau biết chữ. TTHTCĐ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng cho người dân, đặc biệt là những người không có điều kiện hoặc không thể theo học tại các trường học truyền thống.