Rất nhiều người Việt yêu thích tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa". Bộ tiểu thuyết của La Quán Trung được viết với "bảy phần thực, ba phần hư", nhiều tình tiết được viết rất hấp dẫn, nhiều điển tích còn được nhắc mãi về sau.
Trong truyện, mọi người đều nhớ hình ảnh Quan Vũ râu dài, Trương Phi râu vểnh, còn Lưu Bị, qua những truyện tranh Tam Quốc diễn nghĩa, hay tranh minh họa in trong các bản dịch, độc giả hình dung ông có râu thưa ba chòm.
Các bộ phim truyền hình “Tam Quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc cũng thường xây dựng diện mạo Lưu Bị như vậy, thỉnh thoảng đạo diễn lại cho nhân vật Lưu Bị đưa tay vuốt râu. |
Nhưng thực tế, chính sử Trung Quốc lại ghi chép khác về nhân vật này.
Như trong bộ “Tam quốc chí”, do Trần Thọ, người từng làm quan nhà Thục Hán, sau làm quan nhà Tây Tấn, biên soạn vào thế kỷ thứ III (NXB Văn học và Tri thức trẻ Book xuất bản năm 2017, theo bản dịch của Bùi Thông) được đời sau đánh giá là cuốn sử ghi chép khá sát thực về thời nhà Thục Hán, trong phần “Thục thư”, quyển thứ 32, “Tiên chủ truyện”, mô tả dung mạo Lưu Bị như sau: “Mình cao bảy thước năm tấc, tay dài quá gối, ngoảnh đầu tự thấy được tai mình”.
Về tính cách thì Lưu Bị được tả rằng: “Rất ít nói năng, mừng giận không lộ ra mặt”. Ngoài ra, ông còn là người “Rất không thích đọc sách, ưa chó ngựa, hát xướng và quần áo đẹp. Thích giao kết với kẻ hào kiệt, kẻ ít tuổi tranh nhau nương bám”.
Về gương mặt của Lưu Bị, trong quyển 42 “Thục thư”, phần truyện về nhà phương thuật Chu Quần, có phụ chú thêm truyện về Trương Dụ, cũng là nhà phong thủy được đánh giá là “tài năng vượt hẳn Chu Quần”, có ghi lại một câu chuyện liên quan đến râu ria và tính thù dai của Lưu Bị.
Chuyện rằng khi Lưu Bị mới vào Ích Châu, cùng Lưu Chương hội họp ở Phù Thành, Trương Dụ khi đó làm Tòng sự của Lưu Chương, ngồi hầu bên cạnh. Dụ có râu rậm, nên Lưu Bị giễu rằng:
- Trước ta ở huyện Trác, đặc biệt rất nhiều họ có lông, nam bắc đông tây lông mọc khắp. Trác lệnh (tức chức trưởng huyện Trác) nói “Chư mao nhiễu Trác cư hồ!” (nghĩa là lông vây quanh khắp huyện Trác, nhưng chữ “chư” là khắp nơi đồng âm với chữ “trư” nghĩa là lợn, nên Lưu Bị chơi chữ, ý nói giễu Trương Dụ là lông lợn vây quanh khắp mồm).
Tuy nhiên, Trương Dụ đáp ngay rằng:
- Ngày xưa có người làm Trưởng huyện Lộ quận Thượng Đảng, được thăng làm Trác lệnh, bỏ chức về nhà, người bấy giờ viết thư cho ông ấy, muốn ghi là Trác lệnh thì bỏ mất hiệu Lộ trưởng, muốn ghi là Lộ trưởng lại bỏ mất chữ Trác lệnh, bèn đề thư là Lộ Trác quân.
Ở đây, Trương Dụ cũng chơi chữ, dùng chữ tên địa danh huyện Lộ lại đồng âm với chữ “lộ” nghĩa là phơi lộ, viết lại gần giống chữ “đồn” nghĩa là lỗ trôn. Chữ “Trác” trong địa danh huyện Trác đồng âm với chữ trác là cái mỏ chim, ý dẫn ra cái miệng; nên câu “Lộ Trác quân” nghĩa là “Cái miệng ngài Trác phơi lộ”, cũng như nói “Lộ đồn quân”, là câu xỏ xiên lếu láo, tỏ ý trào lộng giễu cợt những người đàn ông không có râu.
Truyện viết rằng, do Lưu Bị không có râu, nên Trương Dụ lấy câu đó để đối lại. Tuy nhiên, Lưu Bị thường ngậm mối hận không quên được lời nói không khiêm tốn ấy, lại thêm ông biết Trương Dụ từng nói riêng với người khác về việc lời dự đoán Lưu Chương sẽ để mất Ích Châu, nhưng lộc họ Lưu cũng đã hết nên sau này đem việc Dụ can việc tranh đoạt Hán Trung không chứng nghiệm, đem hạ ngục, sắp sửa giết.
Lúc đó, Gia Cát Lượng dâng biểu xin giảm tội cho Trương Dụ, nhưng Lưu Bị đáp rằng:
- Lan thơm vướng cửa, không bẻ không được.
Sau đó, Lưu Bị sai chém Dụ, vứt xác ngoài chợ. Mặc dù vậy, Trần Thọ viết rằng sau này việc Lưu Bị chết, rồi nhà Thục mất, nhà Ngụy lên, đều đúng như Trương Dụ đã dự đoán.
Truyện trong “Thục thư” còn cho biết Trương Dụ có khả năng xem tướng, mỗi lần giơ gương lên soi mặt mình, tự biết mình tất sẽ bị xử tội chết, nên chưa lần nào soi gương mà không đập gương xuống đất!