Dân Việt

Nhiều trường hợp bị CSGT TP.HCM thổi nồng độ cồn, gọi điện can thiệp, bỏ luôn xe đi về nhà

Chinh Hoàng 15/10/2023 13:45 GMT+7
Nhiều trường hợp bị Đội CSGT Tân Sơn Nhất (Phòng CSGT Công an TP.HCM) thổi nồng độ cồn. Có người gọi điện hơn 20 phút nhờ can thiệp bất thành đành ngồi vào bàn ký biên bản, có người bỏ luôn xe, bắt xe ôm về nhà...

Hơn 20 phút gọi điện nhờ người can thiệp

22h ngày 14/10, Đội CSGT Tân Sơn Nhất (Phòng CSGT Công an TP.HCM) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Út Tịch - Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình.

Một nhân viên công ty dịch vụ công ích bị CSGT thổi nồng độ cồn, gọi điện nhờ người can thiệp bất thành - Ảnh 1.

Nam tài xế T.T.T có biểu hiện không tỉnh táo bị CSGT dừng phương tiện kiểm tra. Ảnh: Chinh Hoàng

Lúc này, nam tài xế T.T.T (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) là nhân viên một công ty ở quận Phú Nhuận lái xe máy trên đường Út Tịch có biểu hiện không tỉnh táo liền bị CSGT dừng phương tiện kiểm tra. Tổ công tác phát hiện ông T có nồng độ cồn mức 0,401mg/lít khí thở, lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

Quá trình làm việc, nam tài xế không chịu ký biên bản và liên tục gọi điện thoại người quen nhờ can thiệp Đội CSGT Tân Sơn Nhất bỏ qua lỗi vi phạm. 

"Tôi không ký biên bản, các anh chờ tôi gọi điện thoại, có người nói chuyện với các anh. Thật sự tôi không biết uống rượu bia rồi lái xe là vi phạm, lúc các anh bắt xe thì tôi mới biết", ông T nói với CSGT rồi tiếp tục gọi điện thoại.

Sau hơn 20 phút gọi điện thoại cho một số người và đưa cho CSGT nói chuyện xin không thành, biết không thể can thiệp được tổ công tác, nam tài xế mới ngồi vào bàn ký biên bản. 

"Tối nay đi đám ma, tôi uống khoảng 4 lon và hoàn toàn tỉnh táo. Tôi làm lương nhà nước, CSGT phạt 7 triệu lấy gì tôi đóng", tài xế này nói.

Nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý nghiêm, bỏ xe

Lúc 22h15 ông N.V.L (59 tuổi, quê Bình Định) lái xe máy chống chân không vững khi dừng đèn đỏ tại giao lộ Út Tịch – Cộng Hòa cũng bị CSGT kiểm tra có nồng độ cồn 0,662mg/lít khí thở. Ông L không xuất trình được bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, bị CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện.

Một nhân viên công ty dịch vụ công ích bị CSGT thổi nồng độ cồn, gọi điện nhờ người can thiệp bất thành - Ảnh 3.

Trong đêm khuya 14/10, nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị Đội CSGT Tân Sơn Nhất xử phạt nghiêm. Ảnh: Chinh Hoàng

Nam tài xế cho biết làm nghề thợ mộc trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Hôm nay là cuối tuần, chủ nhà tổ chức tiệc đãi thợ, ông uống khoảng 4 lon bia rồi lái xe về phòng trọ ở huyện Bình Chánh. 

"Tôi nghĩ uống một ít bia, đủ giữ tỉnh táo và lái xe đừng gây hậu quả là được. Xe tôi cũ lắm rồi mà bị phạt 7 triệu đồng, tôi bỏ xe luôn chứ lấy tiền đâu đóng", ông L nói rồi bắt xe ôm về nhà.

Trong đêm, hai tài xế xe máy khác lần lượt có nồng độ cồn mức 0,280 và 0,307mg/lít khí thở cũng bị CSGT lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện.

Một cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất cho biết việc kiểm tra nồng độ cồn được đơn vị thực hiện mỗi ngày nhằm kiểm tra, xử lý tài xế vi phạm, ngăn ngừa tai nạn giao thông. Quá trình làm việc, có một số người vi phạm gọi điện thoại nhờ người tác động nhưng đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM cho thấy trong 9 tháng năm 2023, gần 100.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, CSGT TP.HCM đã phát hiện 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Trong đó, có 421 xe ô tô và 93.086 xe máy. trong số này, CSGT đã phạt, tước giấy phép với hơn 93.500 trường hợp… CSGT TP.HCM khẳng định, phải xử lý nghiêm với tất cả trường hợp vi phạm theo quan điểm "không có vùng cấm, không ngoại lệ" theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an.

Với trường hợp người lái xe vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, CSGT ghi nhận giấy tờ có liên quan, xác minh; gửi thông báo vi phạm đến cơ quan công tác để tổ chức kiểm điểm, xử lý theo quy định.