Nhắc đến những giai thoại nổi tiếng trong lịch sử nhà Trần, có nhiều chuyện oanh liệt cũng không thiếu chuyện vừa bi vừa hài. Một trong những chuyện được sử sách và hậu thế lưu truyền nhiều đó là chuyện Hoàng Cự Đà không được ăn muỗm.
Quả muỗm, hay còn được gọi là quả xoài hôi. Tháng 5, năm Ất Mão (1255), vua Trần Thái Tông sai người trồng 500 trượng toàn cây muỗm, suốt từ bến Hồng Tân đến đê quai vạc Tuẫn Thần.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Trước là vua cho các quan hầu cận ăn quả xoài, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên đến bến Đông, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ trốn đi. Đến Hoàng Giang (khúc sông Hồng ở phía trên Nam Định, khoảng ngã ba tuần Vường), gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên.
Cự Đà trông thế liền tránh sang bờ sông bên kia, rong thuyền đi rất gấp. Quan quân hô to lên hỏi: Quân Nguyên ở đâu?
Cự Đà trả lời rằng: Không biết. Các ngươi nên hỏi những người ăn xoài ấy".
Tháng 12 năm Đinh Tị (1257), tướng nhà Nguyên là Ngột Lương Hợp Đài mang hơn nghìn người xâm lấn đồng Bình Lệ. Vua Trần tự làm tướng đốc chiến đi trước xông pha. Đến cuối tháng, vua và thái tử ngự thuyền lầu tiến quân đến bến Đông đón đánh, phá được quân giặc.
Sau khi đánh tan quân giặc, thái tử xin khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Tuy nhiên, sau hồi suy nghĩ, vui nói: "Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa có việc Dương Chân không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc của Cự Đà là lỗi của ta; tha cho tội chết, cho đánh giặc chuộc tội" - trích Đại Việt sử ký toàn thư.
Nói đi cũng phải nói lại, phận làm bề tôi, dù được vua ban thưởng hay không vẫn phải tận trung với nước, hành động của Hoàng Cự Đà đáng bị khiển trách, hắn cũng suýt bị giết cả họ. Thêm vào đó, chỉ vì miếng ăn mà ảnh hưởng việc nước, để hậu thế chê cười.
Quả thực, đối với người dân thì "Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp", có thể chợ ngoài thành Thăng Long vẫn bán xoài nhưng lộc vua ban vẫn mang một ý nghĩa khác.
Lấy chuyện đời xưa để nhìn nhận lại đời nay, đó là hành động của bậc thiên tử, bậc minh quân. Đời Xuân Thu ở Trung Quốc, nước Trịnh đánh nước Tống, khi sắp đánh nhau, Hoa Nguyên nước Tống làm thịt dê cho binh sĩ ăn, người đánh xe là Dương Châm không được ăn. Đến khi đánh nhau, Dương Châm nói: "Con dê hôm trước quyền ở anh, việc đánh nhau ngày nay thì quyền ở ta". Sau đó, hắn bèn đánh xe chạy vào quân nước Trịnh cho nên nước Tống bị thua.
Dẫu tên Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà có tội, lại còn bị khép vào tội bất trung, vua Trần Thái Tông lại có cách hành xử đầy ân nghĩa cho kẻ bề tôi. Vốn là người thông làu kinh sử lại hiểu rõ vận nước, vua Trần Thái Tông tha tội chết cho Cự Đà âu cũng là phép dụng nhân trị quốc. Từ câu chuyện không được ăn thịt dê của Dương Châm đời nhà Tống, nhà vua đã mở cho Cự Đà một con đường sống để chuộc tội.
Từ bài học của Dương Châm đời Tống cho thấy, từ một sơ xuất nhỏ của bậc minh quân trong việc công bằng ban thưởng bổng lộc cũng có thể dẫn tới hậu quả khốc liệt. Bởi vậy, cách thu phục chân tâm của vua Trần quả là cao minh. Đó cũng là nội dung đầy nhân văn sâu sắc mà bậc trữ quân có thể truyền thừa cho người kế tục.
Như vậy, từ những chuyện nhỏ nhặt như thói ăn tục uống cũng toát lên được phép hành xử rất được lòng người của bậc minh quân trong lịch sử đất Việt.