Theo bác sĩ Võ Đức Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hiện nay, mức lương khởi điểm của đội ngũ bác sĩ đang được áp dụng bằng chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học: mức 1, hệ số 2,34 nhân với lương cơ bản (khoảng 4,2 triệu đồng/tháng).
Theo bác sĩ Hiếu, điều này chưa phù hợp. Bác sĩ được đào tạo ở đại học trong 6 năm, thời gian dài hơn so với các ngành có trình độ đại học khác. Sau khi ra trường, bác sĩ phải học thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề cơ bản.
Khi về công tác tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa, bác sĩ lại phải học chuyên ngành, học lên chuyên khoa 1... Việc đào tạo diễn ra thường xuyên, liên tục để bác sĩ cập nhật kiến thức. Kinh phí cho công tác này khá cao.
"Nếu áp dụng mức lương khởi điểm như hiện tại, bác sĩ sẽ không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống, thiếu sự thu hút. Vì thế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kiến nghị xem xét điều chỉnh mức lương khởi điểm tuyển dụng lần đầu với bác sĩ cao hơn mức đang áp dụng", bác sĩ Hiếu nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, mức lương ở các cơ sở y tế công lập còn rất thấp, chưa đảm bảo được nhu cầu đời sống của cán bộ viên chức và gia đình, chưa thực sự tạo được động lực tăng hiệu quả làm việc. Bên cạnh đó, quy định mức lương và hệ số lương tối thiểu chưa thể hiện được giá trị thực của tiền lương.
Cần xác định nhân viên y tế là ngành đặc thù, yêu cầu trình độ chuyên môn cao, đòi hỏi sự tận tâm nên cần có chính sách hỗ trợ chuyên biệt nhằm bù đắp một phần nào đó để người lao động để có những thuận lợi về sức khỏe tinh thần.
Bên cạnh vấn đề tiền lương, một số ý kiến còn bày tỏ lo ngại về chuyện vượt quỹ bảo hiểm y tế. Bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện TP.Thủ Đức, cho biết khi các bệnh viện tự chủ nghĩa là phải có người bệnh, có nguồn thu để có chi.
Tuy nhiên, khi người bệnh đến nhiều hơn, các bệnh viện lại thêm lo lắng về nguy cơ vượt quỹ bảo hiểm y tế. Phần quỹ này có nguy cơ không được chi trả trong khi người bệnh đã được khám xong, bệnh viện đã chi tiền thuốc và vật tư.
Thực tế này có thể khiến bệnh viện không có nguồn để chi lương thưởng cho người lao động, chi mua sắm hay đầu tư phát triển thêm…
Ngay trong hội nghị sơ kết 9 tháng của ngành y tế vừa qua, năm 2023, ước tính TP.HCM đã vượt quỹ bảo hiểm y tế 1.500 tỷ, BHXH TP dự kiến chỉ có thể xin tối đa 800 tỷ đồng để bổ sung kinh phí, như vậy sẽ mất cân đối khoảng 700 tỷ đồng.
Đại diện cho các trung tâm y tế, bác sĩ Quách Kim Ưng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cho biết, người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trung tâm y tế chỉ được thông tuyến với bệnh viện quận, huyện. Nếu người dân đăng ký bảo hiểm y tế tại các bệnh viện bộ ngành, bệnh viện trung ương, thành phố... khi đi khám ở trạm y tế lại không được hưởng bảo hiểm y tế, nhất là với các bệnh thông thường như hô hấp, tiêu hoá, bệnh mãn tính.
Do đó, bác sĩ Ưng đề nghị bổ sung thông tuyến tỉnh và tuyến thành phố cho các trung tâm y tế, trạm y tế tại TP.HCM. Ngoài ra, đề nghị xem xét mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở trạm y tế để thu hút người bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.
Cùng quan điểm với các cử tri ngành y tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, hiện nay, nhiều bệnh viện đang vướng trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men... dù đã được Quốc hội, Chính phủ từng bước tháo gỡ dần.
Với nguồn lực của nhà nước, không thể đáp ứng hết nhu cầu của các đơn vị y tế, do vậy, nhu cầu liên doanh, liên kết ở các đơn vị y tế là cần thiết, quan trọng để tận dụng được thêm các nguồn lực xã hội đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tốt hơn.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ, TP.HCM đang hướng đến xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu mang tầm cỡ và việc này là khả thi với đội ngũ nhân lực y bác sĩ hiện có. Dù vậy, hiện nay đang vướng cơ chế, chính sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại, nhất là vướng trong việc liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị y tế.
"Vấn đề quan trọng là cần có một cơ chế để các cơ sở y tế đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại. Điều này tạo ra một cú hích lớn để TP.HCM xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhìn nhận.