Trong sáng 18/10, tại đây đang có ba bệnh nhân nằm lọc thận. Chị Lê Thị Kim Oanh (sinh năm 1984) chia sẻ, suốt hơn một năm qua phải vất vả lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chạy thận. Mỗi tuần ba lần, chồng chị phải xin nghỉ làm để đưa chị đi chạy thận từ 5 rưỡi sáng. Vất vả không kể xiết, chị chỉ mong được chạy thận ở bệnh viện huyện nhà. Không ngờ, ước mơ đó của chị đã thành sự thật.
Nằm ở giường bên cạnh, chị Trần Thị Nhã Phương (sinh năm 1991, ngụ xã An Thới Đông) không giấu được niềm vui khi ngày đầu được chạy thận ngay tại địa phương mà không cần phải lặn lội lên Bệnh viện huyện Nhà Bè chạy thận như một năm qua.
Nhà neo người, con nhỏ nên mỗi lần lên Bệnh viện huyện Nhà Bè, chị đều phải tự chạy xe máy, mệt quá thì đi xe buýt. Có lần đang chạy xe máy đi chạy thận, sức khoẻ yếu khiến chị ngất xỉu trên đường, được người dân đỡ vào cấp cứu.
"8 giờ sáng tôi bắt đầu đi, chờ phà mất khoảng 1 tiếng, lên bệnh viện chờ thêm khoảng 1 tiếng nữa, gần trưa mới bắt đầu được chạy thận, tới 2 giờ chiều mới xong. Mỗi lần chạy thận xong tôi thấy rất mệt, lùng bùng lỗ tai nhưng vẫn phải ráng đi đi về về. Giờ được chạy thận ngay tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, tôi mừng lắm", chị Phương tâm sự.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, nhiều năm qua huyện Cần Giờ, nhất là xã Đảo Thạnh An luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM về nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề về chăm sóc sức khỏe người dân.Tuy vậy, nơi đây vẫn còn những hạn chế nhất định về nguồn lực y tế.
"Thấu hiểu sự khó khăn của người bệnh nơi đây phải lặn lội lên TP chạy thận, chúng tôi đã thành lập đơn vị thận nhân tạo vệ tinh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngay tại Cần Giờ. Đây cũng là một trong những nội dung mà Sở Y tế triển khai nhằm nâng cao năng lực y tế của huyện này", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Theo bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, sau khi có chỉ đạo từ Ban giám đốc bệnh viện, với tinh thần nhanh gọn như thời kỳ chống dịch Covid-19, chỉ sau gần 1 tháng khảo sát, sửa chữa, lắp đặt, Đơn vị thận nhân tạo tại Cần Giờ đã hoàn thành, đạt đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Thời gian đầu, các bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ luân phiên túc trực tại đây, mỗi tour sẽ có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng làm việc tại Cần Giờ trong 3 tháng. Dự kiến đến năm 2025, Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ đào tạo, chuyển giao dần kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho Bệnh viện huyện Cần Giờ.
Theo bác sĩ Thanh, toàn huyện có 41 bệnh nhân được chỉ định phải chạy thận nhân tạo, hiện đã có 16 bệnh nhân đăng ký chạy thận tại huyện, một số bệnh nhân đợi kết thúc đợt điều trị tại bệnh viện thành phố mới chuyển về huyện.
Bệnh nhân chạy thận tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ
Tuy vậy, hệ thống máy chạy thận mới chỉ có 5 máy, đáp ứng cơ bản cho 16 bệnh nhân đăng ký chạy thận ban đầu. Để đáp ứng tất cả 41 bệnh nhân chạy thận về lâu dài phải cần từ 10-12 hệ thống máy chạy thận.
Đánh giá cao tinh thần xung phong của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, đây là đơn vị thận nhân tạo đúng chuẩn, từ phòng ốc đến các quy trình thực hiện chạy thận, thậm chí còn tốt hơn cả Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Điều này giúp bệnh nhân suy thận được tiếp cận dịch vụ y tế tiên tiến ngay tại địa phương mà không cần lặn lội lên thành phố chạy thận như trước đây.
Ông Thượng cho biết thêm, sắp tới Sở Y tế TP.HCM sẽ bàn bạc về việc tái lập Bệnh viện huyện Cần Giờ. Sở sẽ sớm trình kế hoạch này lên UBND TP và hy vọng đề án sớm thành hiện thực. Giai đoạn đầu sẽ kêu gọi bác sĩ của các bệnh viện trong thành phố xung phong xuống Cần Giờ để công tác. Đây là những hoạt động thiết thực khởi động cho Đề án nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ của ngành y tế TP.HCM.