Chiều 18/10, sau khi dọn dẹp nhà cửa, bà Phạm Thị Ba (trú đường đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) tranh thủ đi nhận quà hỗ trợ từ "mạnh thường quân" sau trận lụt vừa qua.
Nhớ về trận lụt ngày 13/10, bà Ba cho hay, vì nằm trong vùng "rốn lũ" nên nước vào nhà bà cao hơn 1,5m.
"Rút kinh nghiệm trận lụt lịch sử vào năm ngoái (tháng 10/2022 – PV), nhà tôi đã kê cao đồ đạc khi bắt đầu thấy mưa lớn. Người dân ở đây không ai dám chủ quan cả", bà Ba nói.
Cũng theo bà Ba, với địa hình và lượng mưa lớn như đợt vừa qua, việc chống ngập là điều không thể đối với người dân vùng trũng thấp.
"Nước tràn vào nhà rất nhanh, không ai trong xóm kịp trở tay, chỉ nghĩ làm sao để nhanh sơ tán đảm bảo an toàn cho người. Nước chảy ào ào vào nhà như thác, với lượng nước như vậy có dùng biện pháp gì cũng không thể ngăn nước đổ vào nhà, có dùng bạt thì cũng toạc thôi", bà Ba nói thêm.
Theo nhiều người dân tại vùng "rốn lũ", vào mùa mưa lũ, việc đảm bảo an toàn tính mạng được đặt lên đầu tiên.
Loay hoay lau dọn nhà cửa sau khi lũ rút, bà Nguyễn Thị Thu Thanh (trú đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cho hay, đợt lũ vừa qua nhà bà không bị thiệt hại nhiều.
"Sống ở đây nên người dân đã quá quen với việc chạy lụt, chủ động kê cao đồ đạc. Trận ngập lụt vừa qua nước vào nhanh và mạnh lắm nên không thể kịp làm gì được, mà có làm cũng không được, người dân chỉ kịp đi sơ tán để đảm bảo an toàn", bà Thanh nói.
Khi được PV hỏi về phương án dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò sẽ ngăn cho nước không vào nhà, chống ngập úng, nhiều người dân tại đường Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng cho rằng PV đang tiếp thị để bán bạt và mỡ bò vì "từ nhỏ giờ chưa nghe đến chống ngập lụt kiểu như vậy".
"Dân ở đây chưa nghe tới phương án đó bao giờ, với lượng nước đổ vào nhà như vậy mà dùng phương án đó thì không thể. Cộng thêm việc mua mỡ bò, đất sét, tìm đâu ra. Đây là phương án chỉ nằm trên sách vở thôi", ông Nguyễn Nhật (trú đường Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) nói.
Trước đó, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn diễn ra sáng 18/10, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, 100% hộ dân tại vùng ngập Đà Nẵng không thực hiện kê đồ lên cao, triển khai chống ngập cả.
Đáng chú ý, theo ông Tiến, việc chống ngập lụt ở các gia đình tại Đà Nẵng vừa qua là "hết sức đơn giản". Khi thấy nước tràn từ ngoài cửa vào, chỉ cần dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò sẽ ngăn cho nước không vào nhà.
Sau khi thông tin được đăng tải, nhiều người dân, đặc biệt là người dân tại vùng ngập lụt tại Đà Nẵng bức xúc. Đa số người dân cho rằng, biện pháp như vị Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai phát biểu là lần đầu họ được nghe và không khả thi đối với đặc thù mưa ngập tại Đà Nẵng.