Thông tin mới nhất vụ 3 người thương vong nghi ngộ độc khi uống sữa ở Tiền Giang từ NĐT: Tối 20/10, Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, liên quan đến vụ chết người nghi do bị đầu độc xảy ra tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cảnh sát đã bắt khẩn cấp P.M.Q. (sinh năm 2009, ngụ huyện Cái Bè) để điều tra vì có liên quan đến vụ việc.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 6 giờ ngày 14/10, cụ P.T.P. (83 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) phát hiện con ruột là ông P.V.Y. (45 tuổi) nằm chết trên giường. Người nhà tưởng ông Y. tử vong do bệnh lý nên tổ chức mai táng mà không trình báo chính quyền.
Đến 22h cùng ngày, con gái pha cho cụ P. 100ml sữa. Khoảng 5 phút sau khi uống sữa, cụ P. có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói và chết trên đường đi cấp cứu. Gia đình cũng nghĩ cụ P. mất do bệnh lý nên không trình báo công an.
Khoảng 4h ngày 15/10, ông P.M.T. (55 tuổi, con cụ P.) đến phụ đám tang. Tại đây, ông T. cũng pha 150ml sữa uống. Khi uống được khoảng 50ml sữa, ông bị nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên được đưa đi cấp cứu.
Sau đó ông T. được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong tình trạng rất nặng: Tổn thương gan, thận, phổi, cơ tim; thở máy và phải lọc máu hấp phụ.
Được biết, cụ P. và ông T. uống cùng một hộp sữa (thời điểm này gia đình mới báo chính quyền địa phương). Hiện ông T. sức khỏe đã ổn định và xuất viện về gia đình.
Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để điều tra vụ việc.
Tại cơ quan công an, Q. khai nhận từ khi lên 6 tuổi do cha, mẹ ly thân nên Q. và 2 em về ở với mẹ bên ông bà ngoại tại xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè. Năm 2021, Q. bỏ học và cùng mẹ làm ở vựa trái cây của dì ruột trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Khoảng 2-3 năm gần đây, buổi tối Q. về ngủ tại nhà của bà nội và cha ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Ông Y. thường xuyên uống rượu, nhiều lần Q. kêu cha bỏ rượu thì bị ông la mắng nên Q. nảy sinh ý định giết ông Y.
Khoảng tháng 8/2023, Q. quen N.P.Đ. (39 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) và người này có thuốc bả chó.
Ngày 13/10, Q. cùng em ruột gặp ông Đ. để xin thuốc về thuốc chó hoang. Sau đó khoảng 23 giờ cùng ngày, Q. lấy thuốc bỏ vào hộp sữa (bà P. và ông Y. hay uống). Đến sáng hôm sau, Q. đi làm như thường lệ thì nghe tin ông Y. chết.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang cũng đã khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người.
Như Dân Việt đã thông tin: Trao đổi với báo chí ngày 20/10, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, người đàn ông ngộ độc cấp sau khi uống sữa tại Tiền Giang đã đủ điều kiện xuất viện sau 6 ngày điều trị tích cực. Bệnh nhân có mẹ và em trai đã tử vong, nghi ngờ sau khi uống cùng loại sữa.
Theo đó, bệnh nhân là ông P.M.T (55 tuổi, Tiền Giang). Khai thác thông tin ghi nhận ngày 15/10, sau khi uống 50ml sữa bột, người này choáng váng, nhức đầu khó thở, buồn ói. Chỉ 5 phút sau, ông không thở được và không nhận biết được xung quanh. Sau khi cấp cứu ở 2 bệnh viện địa phương, ông được chuyển lên TP.HCM ngay trong đêm.
Khoảng 22h ngày 15/10, bệnh nhân được chuyển từ Khoa Cấp cứu lên Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Bác sĩ trực Nguyễn Ngọc Sang nhận định, người bệnh mê sâu cấp độ 3, suy hô hấp, thở máy, huyết động không ổn định, mạch rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ nhận định đây là ca ngộ độc cấp do biến chuyển rất nhanh sau khi người bệnh tiếp xúc với một loại sữa. Việc điều trị sẽ khó khăn vì ông T. có bệnh nền xơ gan và cao huyết áp.
Trong đêm trực chỉ có 2 bác sĩ với hơn 20 ca nặng cần hồi sức, Khoa Bệnh nhiệt đới phải tập trung tất cả khả năng, tiến hành cho người bệnh thở máy lưu lượng cao, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu. Mục tiêu của lọc máu là lấy một phần độc chất ra khỏi cơ thể. Sau vài giờ, bệnh nhân có dấu hiệu đáp ứng và cải thiện.
Những ngày tiếp theo, bệnh nhân T. được lọc máu 3 lần. Sau khoảng 40 giờ nhập viện, bệnh nhân ngưng lọc máu và ngưng thở máy 10 giờ sau đó. Đến nay, kết quả xét nghiệm cho thấy đã loại bỏ tất cả chất độc ra khỏi cơ thể, bệnh nhân sinh hoạt bình thường, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đủ tiêu chuẩn xuất viện.
Việc nhận định độc chất được các bác sĩ gấp rút tiến hành để có hướng can thiệp hiệu quả nhất. Cùng lúc này, bệnh viện nhận thông tin mẹ và em trai bệnh nhân cũng tử vong trước đó, nghi ngờ tiếp xúc với sữa bột mà bệnh nhân đã sử dụng. Ba người đều có sức khỏe bình thường trước sự cố. Điều này củng cố hơn suy đoán khả năng đây là một chùm ca ngộ độc cấp.
"Câu hỏi đặt ra cho chúng tôi: Đây là độc chất gì mà xảy ra ngộ độc rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút đổ lại sau khi các người bệnh tiếp xúc? Chúng tôi nhận định chất độc này có mức độ độc cực kỳ cao. Đây phải là chất không mùi, không vị nên khi ở trong bột sữa mà người dùng không cảm nhận được sự bất thường của sữa. Chất này có thể tìm được trên thị trường hoặc là sản phẩm do một loại vi sinh vật nào đó nằm trong sữa tạo ra", BS Hùng nói.
Từ những suy luận này, các bác sĩ suy nghĩ đến một số độc chất, xếp theo tỷ lệ khả năng từ cao đến thấp là cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin (bột mã tiền), botulinum.
Tất cả chất này đều kịch độc, gây nên những ca tử vong rất nhanh sau khi tiếp xúc, ở nhiều dạng khác nhau nhưng dạng đặc biệt chung là bột trắng, không màu, không mùi, không vị.
Trong 5 chất này, chỉ có nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat là có thuốc giải độc đặc hiệu, còn lại là điều trị triệu chứng, hồi sức mà chủ lực là lọc máu. Sau khi đã khu trú được các nhóm độc chất, bác sĩ có phương hướng điều trị tiếp theo.
Cũng theo bác sĩ Hùng, một xét nghiệm cho thấy cơ thể bệnh nhân có một loại men giảm, phù hợp với tình trạng người bị ngộ độc nhóm thuốc organophosphate. Tuy nhiên, chính xác độc chất là gì sẽ do cơ quan chức năng công bố khi có kết quả xét nghiệm mẫu sữa trước đó.
Ngoài ra, kết quả tìm độc chất ở dịch dạ dày, phân, máu, nước tiểu… của bệnh nhân là âm tính. Theo các bác sĩ, điều này là bình thường vì xét nghiệm tìm độc chất rất khó khăn, kỹ thuật xét nghiệm đôi khi chỉ có thể tìm được khi độc chất ở nồng độ cao...
Liên quan đến chi phí điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, toàn bộ số tiền viện phí (trên 100 triệu đồng) đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Phần tiền hỗ trợ còn dư và toàn bộ số tiền gia đình đã tạm ứng trước đó sẽ được hoàn lại cho người bệnh.