Hoàng đế Khang Hy là một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc nói chung và nhà Thanh nói riêng.
Hoàng đế Khang Hy lên ngôi năm tám tuổi, chính thức cai trị năm 14 tuổi. Khang Hy là vị hoàng đế huyền thoại với những thành tựu trong suốt cuộc đời, là người đặt nền móng vững chắc cho sự cai trị của nhà Thanh.
Cùng với cháu nội là Càn Long, Khang Hy - vị hoàng đế Đại Thanh nổi danh và được hậu thế biết đến nhiều nhất. Xuyên suốt lịch sử, các vị hoàng đế hầu hết đều cho người xây dựng lăng mộ - nơi yên nghỉ của mình từ sớm và không tiếc công sức đầu tư hoành tráng để thể hiện địa vị bản thân.
Khang Hy cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi ông từng có một thời thịnh trị. Lăng của ông được xây dựng từ năm 1676 và hoàn thành vào năm 1681. Hơn 40 năm sau, vào năm 1722, Hoàng đế Khang Hy băng hà và được đưa vào lăng được gọi là Thanh Cảnh Lăng.
Theo sử sách ghi lại, trong Thanh Cảnh Lăng còn chôn cất 4 vị Hoàng hậu, 48 thê thiếp và 1 hoàng tử của nhà vua. Mộ của hoàng đế tất nhiên được xây dựng xa hoa, bề thế và có không ít vàng bạc, châu báu. Thế nhưng, chẳng ai ngờ rằng vị quân vương Khang Hy lại có số phận sau khi qua đời hẩm hiu bậc nhất nhà Thanh.
Vận xui không ngừng “đeo bám”
Vào cuối thời nhà Thanh, lăng mộ các vua triều này thường bị kẻ trộm xâm nhập. Sau khi lực lượng Đồng minh đột phá kinh thành, Thanh Cảnh Lăng - nơi chôn cất năm vị hoàng đế đương nhiên thu hút sự chú ý của các thế lực.
Cung điện trên mặt đất bị phá hủy, và những người lính canh gác mộ đã lẻn vào đánh cắp nhiều cổ vật quý giá. Trong những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, vận rủi ở lăng mộ này liên tục xuất hiện.
Lăng mộ Khang Hy lần đầu tiên bị trộm và khai quật vào năm 1928. Thủ phạm là một nhân vật rất quen thuộc - Tôn Điện Anh, người cũng đã trộm mộ Từ Hy Thái hậu và Càn Long. Tuy nhiên, Tôn Điện Anh và quân lính của mình đã cướp đi những gì thì người đời sau không thể xác định được.
Vào năm 1945, thảm kịch thực sự mới xảy ra. Có một nhóm cướp lớn bao gồm khoảng 300 người đã táo tợn lên kế hoạch quy mô để trộm Thanh Cảnh Lăng. Nơi an nghỉ của hoàng đế bị phá nát tan tành. Hàng loạt báu vật, trong đó giá trị nhất là chiếc chén Cửu Long mà Hoàng đế Khang Hy từng dùng khi còn sống đã bị đánh cắp. Đến tận ngày nay, tung tích của bảo vật này vẫn là ẩn số gây tiếc nuối cho giới khảo cổ.
Công cuộc khám phá và “địa ngục” nơi trần gian
Vào năm 1952, với mục đích nghiên cứu và cải tạo lại Thanh Cảnh Lăng, các chuyên gia đầu ngành Trung Quốc đã thực hiện cuộc khai quật lăng mộ Khang Hy một lần nữa. Thế nhưng ít ai ngờ rằng dù lên kế hoạch rất chi tiết, đầy đủ và cẩn thận, nhóm chuyên gia đã vào lăng chỉ trong chốc lát rồi trở ra nhanh chóng.
Họ cùng nhau thống nhất đưa ra quyết định kinh ngạc, đó là đóng cửa lối dẫn vào nơi đặt quan tài Khang Hy vĩnh viễn. Vậy các nhà khảo cổ đã nhìn thấy những gì mà quả quyết như vậy?
Cuộc khai quật bên trong Thanh Cảnh Lăng là một trải nghiệm kinh hoàng đối với 3 chuyên gia. Họ đã phải di chuyển bằng dây thừng xuống phía dưới, trên người mặc đồ bảo hộ đầy đủ và thậm chí còn được trang bị súng lục. Sau khi xuống đến lăng mộ, một không khí lạnh lẽo bất thường và tăm tối ập đến.
Điều kinh khủng nhất là mùi khó chịu rợn người bốc lên ở khắp nơi. Phía sau hai cánh cổng đá, nước đột ngột dâng lên khắp nơi khiến tất cả chỉ có thể đông cứng lại, càng đi vào thì nước càng sâu.
Khi tiến đến gần quan tài, nước đã ngập đến thắt lưng, bốc lên mùi hôi thối không thể chịu nổi. Tình cảnh của hài cốt hoàng đế cùng các vị hoàng hậu bồi táng cùng bị nhận định là vô cùng thảm thương.
Những kẻ trộm mộ trước đó đã lục tung bên trong quan tài để bới móc kho báu và tàn nhẫn ném xương cốt người đã khuất ra bên ngoài. Hài cốt vua Khang Hy bị rơi vãi, ngâm trong làn nước lạnh lẽo.
Vì điều kiện quá mức nguy hiểm trong lăng mộ nhà vua, cả đoàn vội vã rút khỏi “địa ngục” để đảm bảo an toàn. Chính quyền Trung Quốc quyết định đóng cửa Thanh Cảnh Lăng, niêm phong lại cho đến ngày nay vì không một ai dám bước chân vào bên trong nữa.