Dân Việt

Gói chính sách thuế hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh

PV 22/10/2023 08:45 GMT+7
Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng….

Cải cách điện tử hóa, số hóa

Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế hướng tới tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa theo mục tiêu lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức hiệu quả cao nhất.

Trong các trụ cột chiến lược trong đó có một trụ cột là mối quan hệ giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, ngành Thuế xác định một số nguyên tắc cơ bản:

Nguyên tắc lấy người nộp thuế làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đây là quá trình chuyển đổi đòi hỏi ý thức của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế phải kịp thời phục vụ hiệu quả, được sự đánh giá cao của người nộp thuế.

Hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại. Điều này hướng tới chuẩn mực thuế quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý cũng như hiệu quả phục vụ của cơ quan thuế.

Gói chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh - Ảnh 1.

Gói chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh. Ảnh Quang Minh.

Xây dựng các chương trình cùng với người nộp thuế nâng cao tính tự nguyện tuân thủ của người nộp thuế qua đó giảm chi phí quản lý hành chính và người nộp thuế giảm được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế.

Tổng cục trưởng thuế Mai Xuân Thành chia sẻ, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý thuế hiện đại để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như tạo sự bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật về thuế.

Đặc biệt, để thực sự trở thành ‘Đối tác tin cậy với Người nộp thuế’, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, ngành Thuế Việt Nam luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thu thuế phải thu được lòng Dân" và tập trung chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện quán triệt và tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo đến từng công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị từ đó tạo động lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng thời tổ chức triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Với cam kết tiếp tục mục tiêu "Lấy Người nộp thuế làm trung tâm phục vụ", người đứng đầu ngành Thuế Việt Nam đã khẳng định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thuế đã và sẽ tiếp tục tiếp bước, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, vượt khó của các thế hệ đi trước để cùng đồng hành chia sẻ cùng Người nộp thuế - những đối tác của sự phát triển để hướng đến tương lai phồn vinh của đất nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp hơn 5.000 tỷ đồng

Theo Tổng cục Thuế, chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ DN là hơn 507.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ và có ý nghĩa như một khoản Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh.

Gói chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh - Ảnh 2.

Chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hơn 507.000 tỷ đồng. Ảnh: Quang Minh.

Mới đây nhất, năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, có thể khẳng định Nhà nước đã phản ứng chính sách nhanh đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần quan trọng trong sự phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế trong nước sau đại dịch.

Hơn thế, các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á.