Mới đây, một thành phố cổ tại Thái Lan được công nhận là Di sản Thế giới như một động lực thúc đẩy nền kinh tế đang bị đại dịch tàn phá. Nhưng sự chú ý và lượng du khách tăng đột biến cũng mang lại những thách thức khác cho việc bảo tồn cho đất nước này.
Công viên lịch sử Si Thep ở tỉnh Phetchabun phía bắc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 9/2023. Tháng đó, khu di tích của vương quốc Dvaravati phát triển hưng thịnh từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10 đã thu hút khoảng 156.000 khách du lịch, gần gấp bốn lần so với tháng 8.
Lượng du khách tăng vọt bất chấp vị trí bất tiện của địa điểm này. Si Thep cách Bangkok ba tiếng rưỡi đi ô tô. Tuy vây, du khách không ngại đường xa để tới thăm các tu viện Phật giáo và các tác phẩm điêu khắc chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ cổ đại tại công viên.
Một du khách 39 tuổi đến từ tỉnh Chon Buri, người đã tổ chức chuyến thăm nhóm với 11 thành viên gia đình vào đầu tháng 10/20223, cho biết: "Với thiên nhiên phong phú [trong khuôn viên], công viên cho thấy một lịch sử lâu đời".
Hầu hết du khách cho đến nay là người dân địa phương. Nhưng công viên dự kiến sẽ thu hút một làn sóng khách quốc tế, đặc biệt là những người đã đến thăm các địa điểm UNESCO khác ở Thái Lan, chẳng hạn như thành phố lịch sử Ayutthaya và thị trấn lịch sử Sukhothai.
Theo chính quyền địa phương, Si Thep thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp và các biện pháp để ứng phó với lượng khách du lịch tăng đột biến, từ thùng rác đến bãi đậu xe. Một số khu vực của công viên đã phải đóng cửa sau khi du khách leo lên những di tích đổ nát.
Truyền thông địa phương dẫn lời một chuyên gia đưa tin, sự chú ý ngày càng tăng cũng làm tăng nguy cơ các hiện vật sẽ bị cướp. Một quan chức chính phủ trung ương cho biết: "Việc duy trì một Di sản Thế giới khó hơn cả việc nó được chọn vào danh sách này", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc với chính quyền địa phương và các thành viên cộng đồng để hành động.
Giải quyết vấn đề du lịch đại chúng cũng là vấn đề đau đầu ở các khu vực khác ở Đông Nam Á.
Indonesia tìm cách bảo tồn môi trường sống của loài rồng Komodo nổi tiếng thế giới thông qua việc kiểm soát du khách. Nhưng kế hoạch tăng phí vào cửa gấp 25 lần vào công viên quốc gia, nơi sinh sống của loài thằn lằn lớn nhất thế giới, đã gây ra sự phản đối của chính quyền địa phương và cộng đồng lo lắng về nền kinh tế du lịch. Jakarta cuối cùng đã từ bỏ việc tăng phí.
Việc đưa vào danh sách UNESCO có thể giúp vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID của Thái Lan, nhưng việc không quản lý du lịch có thể làm tổn hại đến giá trị của chính địa điểm du lịch này. Công viên Si Thep sẽ kiểm tra khả năng phát triển ngành du lịch bền vững của đất nước.