Dân Việt

Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Làm sao phù hợp với lộ trình đổi mới?

Uyên Na 23/10/2023 06:34 GMT+7
 Từ năm 2025, học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo phương án thi mới. Bộ GDĐT đang tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội để đưa ra phương án tốt nhất, giảm tải áp lực cho thí sinh cũng như phù hợp với lộ trình đổi mới.

Đề xuất 3 phương án thi

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT, có 2 phương án được đưa ra lấy ý kiến.

Phương án 1: lựa chọn 4+2, thí sinh phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Thí sinh học chương trình GDTX (nhóm thí sinh này không phải học bắt buộc môn Ngoại ngữ) phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án 2: lựa chọn 3+2, thí sinh phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử). Thí sinh học chương trình GDTX (nhóm thí sinh này không phải học bắt buộc môn Ngoại ngữ), thí sinh phải thi 4 môn, gồm thi bắt buộc 2 môn (Ngữ văn, Toán) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Làm sao phù hợp với lộ trình đổi mới? - Ảnh 1.

Bộ GDĐT tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 theo 3 phương án lựa chọn 4+2, 3+3 và 2+2.

Trước đó, khảo sát của Bộ GDĐT trên phạm vi cả nước với trên 130.000 cán bộ, giáo viên tham gia, có 26,41% lựa chọn phương án 1 và 73,59% lựa chọn phương án 2. Trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương lại đề xuất thêm phương án: Thí sinh chỉ thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Như vậy, hiện có 3 phương án được đề xuất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Bộ GD&ĐT đánh giá, ưu điểm của phương án 3 với 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh cũng như cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, thay vì 6 môn như hiện nay). Phương án này không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Nhưng, nhược điểm của phương án này là làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử, Ngoại ngữ. Hai môn này hiện đang là môn bắt buộc phải học trong chương trình THPT.

Phần đa học sinh cho rằng, với xu hướng ngày càng nhiều trường đại học có phương án tuyển sinh riêng, các em mong muốn chỉ thi 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp (với hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn) để dành thời gian ôn tập, tham gia các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học.

Thi bao nhiêu môn là đủ?

Theo Bộ GDĐT, với 3 phương án trên, gần 60% ý kiến giáo viên ở một số địa phương tham gia khảo sát (TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang) lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2. Cụ thể, có 17.981 cán bộ, giáo viên tham gia ý kiến, trong đó có 40% chọn lựa chọn phương án 4+2; 59,8% chọn lựa chọn phương án 2+2 và 0,2% chọn ý kiến khác.

Bộ GD&ĐT cho rằng, trong số các nội dung xin ý kiến về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, hiện đã thống nhất được các điểm như: mục đích của kỳ thi, hình thức môn thi, sự phân cấp, trách nhiệm của địa phương và Trung ương lộ trình triển khai, số lượng môn thi tự chọn,...

Trước các ý kiến khác nhau, Bộ GDĐT tiếp tục xin ý kiến của chuyên gia, địa phương về số lượng môn thi bắt buộc và tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo đó, các địa phương, chuyên gia cơ bản nhận được sự đồng thuận cao về mục đích kỳ thi, hình thức môn thi, sự phân cấp, trách nhiệm của địa phương và Trung ương, lộ trình triển khai, số lượng môn thi tự chọn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu tăng số lượng môn thi bắt buộc sẽ làm tăng áp lực thi cử, dễ gây nên việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn so với khoa học tự nhiên. Từ đó, ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của học sinh cũng như phân công giáo viên trong quá trình giảng dạy tại nhà trường (môn thừa, môn thiếu).

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tại các vùng miền hiện nay đang có sự chưa đồng đều về học lực môn Tiếng Anh. Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm thi môn này thể hiện rõ sự chênh lệch giữa học sinh vùng đô thị và học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Bởi vậy, trước mắt, TS Lê Viết Khuyến đồng tình với phương án 2+2 để tạo sự công bằng cho các thí sinh. Còn về lâu dài, khi kết quả học ngoại ngữ của học sinh có sự đồng đều giữa các vùng miền thì kỳ thi nên tổ chức theo phương án 3+2.

Do đó theo TS Lê Viết Khuyến, Bộ GDĐT nên bám theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 29 đặt ra là đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GDĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội. Trong khi đó, nếu tăng thêm một môn thi bắt buộc sẽ tăng thêm áp lực cho học sinh, tâm lý thi cử sẽ nặng nề hơn.

Vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nên giảm số môn thi bắt buộc, thay vào đó là đổi mới cách thức tổ chức thi, giảm áp lực cho người học. Với phương án ba 2+2 không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em, tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.