Sáng 23/10, ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội khóa XV trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5.
Theo báo cáo, Quốc hội và các cơ quan trực thuộc đã trả lời 69/69 kiến nghị của cử tri; TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao giải quyết 61/61 kiến nghị. Con số này của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương là 2.591 trong tổng số 2.605 kiến nghị được gửi.
"Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân", báo cáo nêu.
Tuy nhiên, một số bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật dù từ nhiều kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu trả lời đúng thời hạn pháp luật.
"Việc này ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động giám sát và đại biểu Quốc hội không có thông tin để kịp thời báo cáo với cử tri. Các bộ ngành thuộc trường hợp này gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo...", báo cáo nêu.
Song song, một số kiến nghị của cử tri liên quan đến việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Ví dụ được báo cáo nêu là việc cử tri nhiều tỉnh kiến nghị việc từ năm 2021 đến nay, người chăn nuôi không được hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và đề nghị có chính sách hỗ trợ.
Qua giám sát cho thấy, từ năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi nên Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ trong các năm 2019 - 2020.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay chưa có chính sách hỗ trợ còn Bộ NNPTNT nói "khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ" vào quý IV năm 2022. Hiện nay khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Bộ lại nêu sẽ trình Chính phủ ban hành vào quý IV năm 2024, chậm 2 năm so với lộ trình đã hứa.
Cũng theo báo cáo, một số kiến nghị của cử tri có phạm vi áp dụng trong toàn quốc nhưng chưa được kịp thời giải quyết. Như kiến nghị về sớm ban hành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hay như từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị các bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 62/2020 về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định 106/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Quốc hội giám sát thấy, chậm nhất đến hết ngày 31/10/2020, các bộ, ngành phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm đối với công chức nghiệp vụ chuyên ngành, định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý (Nghị định 62/2020). Nhưng đến nay, Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Với Nghị định 106/2020, thời hạn là chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, các bộ, ngành phải ban hành văn bản hướng. Tuy vậy, vẫn còn Bộ NNPTNT, Bộ GDĐT, Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn 2 nghị định trên được Quốc hội đánh giá: "Làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả việc hoàn thiện danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, việc xác định biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị".