Đây là một chuyến bay đặc biệt do 2 bệnh nhân được cấp cứu từ 2 đảo khác nhau, vì vậy đòi hỏi sự phối hợp cực kỳ chặt chẽ giữa công tác điều trị tại chỗ và tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175, nhất là trong quá trình vận chuyển để đảm bảo an toàn cao nhất cho 2 bệnh nhân.
Theo đó, lúc 1h sáng ngày 22/10, ngư dân N.S (sinh năm 1984), sau khi lặn sâu 30m trong 120 phút lên bờ thì thấy mệt mỏi nhiều, đau nhức cơ 2 chân, chóng mặt, bí tiểu. Khoảng 4h sáng, anh N.S tự lặn xuống biển để tái tăng áp trong khoảng 4 giờ nữa. Khi lên lại bờ, bệnh không đỡ, bệnh nhân đã tự giảm áp tại thuyền bằng cách lặn trong thùng nước từ 8h sáng đến 12h trưa thì bệnh nặng lên.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh xá đảo Song Tử Tây lúc 15h25 cùng ngày trong tình trạng đau toàn thân, liệt tứ chi, sức cơ 3/5, rối loạn cơ, bí đại tiểu tiện, vô niệu. Đồng thời da xuất hiện các mảng vân đá, thiếu oxy tổ chức, bụng chướng, mạch 120 lần/phút, phải thở oxy hỗ trợ. Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ của Viện Y học Hải quân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, kết luận: Bệnh nhân giảm áp do lặn sâu 30m giờ thứ 18 mức độ nặng, tắc mạch khí đa cơ quan. Tiên lượng rất nặng và vượt quá khả năng điều trị của quân y đảo, do đó các bác sĩ đã quyết định vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 để kịp thời điều trị.
Trong quá trình bay ra đảo Song Tử Tây để vận chuyển bệnh nhân, tổ cấp cứu nhận được lệnh vận chuyển thêm một bệnh nhân tại đảo Sinh Tồn bị chấn thương sọ não nặng, gãy kín 1/3 xương giữa đòn trái do ngã cao. Khi tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, glasgow 5 điểm, đồng tử trái giãn 5mm. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và vận chuyển cùng bệnh nhân N.S. trên một chuyến bay về đất liền điều trị.
Thượng uý, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175 – kíp trưởng kíp Cấp cứu cho biết: "Điều khó khăn nhất trong chuyến bay cấp cứu lần này là phải di chuyển qua 2 đảo khác nhau, bệnh nhân cũng phải tham gia vào quá trình cất cánh, hạ cánh 3 lần, mỗi lần như vậy do thay đổi về áp suất, có nguy cơ tái hình thành các bóng khí trong lòng mạch làm nặng hơn tình trạng tắc mạch của bệnh nhân mắc bệnh giảm áp".
Bên cạnh đó, trang thiết bị cho vận chuyển là đón bệnh nhân bị giảm áp, khi phát sinh thêm một bệnh nhân cấp cứu nữa là một thách thức khi phải đảm bảo cả thuốc và oxy cho vận chuyển. Thời tiết xấu, mưa lớn đã ảnh hưởng đến cả kíp bay và bệnh nhân. Máy bay phải dừng, tiếp nhiên liệu tại đảo Trường Sa lớn cũng ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175.
Hiện tại bệnh nhân đã có dấu hiệu sinh tồn tạm ổn. Ngay khi chuyển về Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu, tiến hành hội chẩn viện để điều trị tiếp theo.