TP.HCM hiện có hàng triệu người lao động, trong đó có hàng trăm ngàn công nhân từ các địa phương khác đổ về. Ghi nhận thực tế, phần lớn người lao động tại TP.HCM vẫn ở trọ trong những khu nhà ven khu công nghiệp để tiện cho việc di chuyển đến công ty, xí nghiệp.
Tuy nhiên, việc sinh sống trong các dãy trọ không đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy… Nhiều công nhân phải làm tăng ca, phải trở về các dãy trọ vào buổi tối muộn. Vấn đề này làm gia tăng tình trạng tệ nạn cướp giật tài sản, không đảm bảo an ninh trật tự.
Nhiều công nhân cho biết họ mong muốn được bố trí các nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp để đảm bảo chất lượng cuộc sống và vấn đề an ninh.
Chị Trần Thị Thảo (công nhân tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) cho biết chị làm công nhân đã gần 10 năm và đang thuê trọ trên đường Nguyễn Thị Tú để thuận tiện cho việc đi làm. Tuy nhiên, giá thuê phòng trọ liên tục bị chủ trọ đẩy giá lên cao. Hiện tại, chị Thảo phải chi trả 3 triệu đồng mỗi tháng tiền trọ, chưa kể điện nước.
"Ở trọ bên ngoài vừa tốn tiền cao vừa không đảm bảo an ninh, dãy trọ của tôi liên tục bị trộm cắp vặt, kể cả quần áo phơi ban đêm cũng bị mất. Bởi vậy, tôi mong muốn khu công nghiệp bố trí nhà ở lưu trú cho công nhân nhưng nhiều năm qua vẫn không thấy đâu", chị Thảo chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Ban quản lý (BQL) khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX, KCN) đã có báo cáo đến UBND TP.HCM, sở ban ngành về việc phát triển xây dựng nhà lưu trú công nhân trên địa bàn.
Ban quản lý KCN, KCX cho biết từ năm 2016 đến nay, quỹ đất được quy hoạch để đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân nằm trong ranh các KCX, KCN, còn lại rất ít.
Cụ thể, KCX Tân Thuận chỉ còn lại các vị trí tại lô KTX-1 (8.263,3 m²) và lô KTX-2 (3.000,0m²) dự kiến do Công ty TNHH Tân Thuận làm chủ đầu tư. Hay lô 85A4 (5.000m²) tại Khu chế xuất Linh Trung 2 do Công ty CP đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư.
Theo BQL, trên địa bàn thành phố hiện có 3 khu chế xuất, 14 khu công nghiệp đi vào hoạt động với 1.457 dự án hoạt động sản xuất. Hơn 500 dự án FDI và 948 dự án có vốn đầu tư trong nước. Qua đó, số lao động đang làm việc tại các KCN, KCX ước tính hơn 258.000 người.
Thời gian qua, hơn 210 doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, KCX đã khảo sát nhu cầu của người lao động, công nhân về việc thuê, mua nhà ở xã hội...
Khảo sát 96.517 người lao động, có 51.718/96.517 người lao động có nhu cầu thuê nhà ở xã hội (tỷ lệ 53,6%). Số lao động có nhu cầu ở theo hộ gia đình là 27.083 người (tỷ lệ 52,4%). Số lao động có nhu cầu mua nhà ở xã hội là 29.034 người (tỷ lệ 30,1%).
Mặc dù nhu cầu của người dân là rất lớn nhưng hiện nay chưa có đơn vị nào đề xuất vị trí để xây dựng các nhà lưu trú công nhân trong KCN, KCX...
Theo Ban quản lý, hiện nay, quỹ đất thu hút đầu tư vào KCX, KCN ngày càng thu hẹp, do các KCN hiện hữu dần lấp đầy, trong khi các KCN mới chậm triển khai với diện tích đất công nghiệp là 468 ha (như: Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng). Những dự án chậm triển khai vướng pháp lý, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất triển khai dự án,
Đối với quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú dành cho công nhân KCN thì được quy hoạch nằm trong các khu dân cư liền kề phục vụ KCN.
Tuy nhiên, đối với KCN mới có quy hoạch khu dân cư liền kề phục vụ KCN đều bị chậm tiến độ, do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, pháp lý về giao, thuê đất, chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư khu dân cư liền kề. Việc này đã khiến các chủ đầu tư hạ tầng KCN không có nền tái định cư cho người dân.
Ban Quản lý các KCX, KCN đã báo cáo UBND TP.HCM về các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đơn vị đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan tham mưu việc giao các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN được làm chủ đầu tư khu dân cư liền kề KCN để các KCN có nền tái định cư, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai các hạ tầng xã hội phục vụ KCN.