Cô bé Đan Lai rời huyện xuống phố học
Cô nữ sinh tộc người Đan Lai có cái tên khá lạ - Nguyễn La Vi Na. "Tên em do bố đặt, ghép từ họ Nguyễn của bố, họ La của mẹ và họ Vi của bà ngoại", nữ sinh 16 tuổi bẽn lẽn giải thích về họ tên của mình.
Vi Na sinh ra ở bản Tân Sơn - bản tái định cư của người Đan Lai thuộc xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Người Đan Lai, còn được gọi là "tộc người ngủ ngồi". Tên gọi này xuất phát từ tư thế ngủ đặc biệt của một nhóm người - được xem tổ tiên của người Đan Lai ngày nay - trên hành trình trốn chạy kẻ thù.
Người Đan Lai ngày xưa ở mãi trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, với đói nghèo, lạc hậu và thất học. Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, người Đan Lai đã dần được đưa ra khỏi rừng sâu, biết trồng lúa nước, được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn nghèo lắm.
Trẻ em Đan Lai đi học được hỗ trợ sách vở, gạo nhưng nhiều gia đình chưa coi trọng sự học. Nhiều em gắng lắm cũng chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ, có bạn chưa kịp lớn đã lấy chồng, lấy vợ, sinh con, sống lầm lũi với ruộng, với rừng.
Vi Na may mắn bởi bố mẹ đặc biệt coi trọng sự học và truyền cho em tình yêu với con chữ, mong một ngày con gái có thể bay xa hơn đỉnh núi cao nhất vùng biên giới này.
Lên lớp 4, Vi Na bắt đầu có niềm yêu thích đối với toán học. Lớp 5 và lớp 9, cô nữ sinh người Đan Lai có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện môn toán. Được bố mẹ định hướng, Vi Na quyết tâm đặt mục tiêu thi đậu vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An (đóng tại thành phố Vinh, Nghệ An).
Với 9,35 điểm môn văn, 7,75 điểm môn toán và 5 điểm môn tiếng Anh, Vi Na chính thức xuống phố đi học. Rời bản làng, xa bố mẹ, người thân, bắt đầu bước vào cuộc sống tự lập, Vi Na cũng hụt hẫng lắm nhưng ở ngôi trường mà thầy cô như bố mẹ, bạn bè như người thân, em dần thích ứng để chuyên tâm học hành.
Nhận thấy tư duy nhạy bén, nền tảng kiến thức vững chắc và quyết tâm cao của cô nữ sinh vùng biên, cô giáo bộ môn toán Nguyễn Thị Thùy Linh quyết định chọn Vi Na và 13 bạn khác vào đội tuyển bồi dưỡng tham gia cuộc thi Olympic toán học Quốc tế TIMO (cuộc thi giải toán bằng tiếng Anh) năm 2023.
Đây là cuộc thi có nội dung kiến thức về toán rộng, trải đều ở lớp 10, 11 và 12. Ngoài kiến thức về toán, yêu cầu thí sinh phải thông thạo tiếng Anh, trong khi đó, từ miền núi xuống thì ngoại ngữ là hạn chế của nữ sinh này. Chưa kể, vòng loại cuộc thi lại trùng vào thời điểm thi học kỳ 1, bởi vậy, Vi Na và các bạn phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo kiến thức chính khóa, ôn luyện môn toán và bồi dưỡng thêm về ngoại ngữ.
Đã có thời điểm Vi Na cảm thấy quá sức, muốn dừng lại nhưng cô Linh, ban giám hiệu nhà trường và bố mẹ động viên, cô bạn vực dậy quyết tâm, mong một ngày được "ra biển lớn".
Kỳ tích của cô học trò Đan Lai
"Thực ra, từ đầu, mục tiêu của cô trò tham gia cuộc thi Olympic toán học quốc tế TIMO là để các em cọ xát, thử sức ở một môi trường lớn chứ không đặt nặng về thành tích", cô Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ.
Thế nhưng, ngoài dự định ban đầu, đội tuyển Trường THPT DTNT Nghệ An đã lần lượt vượt qua vòng loại, vòng thi quốc gia để tiến thẳng vào vòng chung kết cuộc thi, được tổ chức tại thành phố Pataya, Thái Lan vào tháng 4 vừa qua.
Nếu như ở vòng loại và vòng thi quốc gia, các thí sinh làm bài trên đề thi song ngữ Anh - Việt hoặc có phụ đề tiếng Việt, thì ở vòng chung kết, các thi sinh phải hoàn thành bài thi bằng tiếng Anh gồm 30 câu hỏi, thời gian 120 phút.
"Các câu hỏi trong bộ đề chia đều cho các lĩnh vực tư duy logic, số học/đại số, lý thuyết số, hình học, tổ hợp, ngoài ra còn có những câu liên hệ với cuộc sống. Bởi vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, thí sinh phải có vốn tiếng Anh khá và khả năng tư duy, hiểu biết về thực tiễn cuộc sống để hoàn thành bài thi tốt nhất. Trong quá trình làm bài, em thấy khá tự tin do nội dung đã được cô ôn luyện kỹ nhưng không nghĩ mình có thể đạt huy chương", Vi Na chia sẻ.
Khi đội tuyển Trường THPT DTNT Nghệ An được xướng tên với 9 huy chương Bạc, trong đó có tên mình, cô nữ sinh Đan Lai vỡ òa sung sướng. Tại kỳ thi này, một thành viên của đội đạt giải Khuyến khích. Đây cũng là thành tích đặc biệt của Trường THPT DTNT Nghệ An trong lần đầu tiên tham gia kỳ thi này.
"Em rất hạnh phúc. Em muốn dành kết quả này để tặng bố mẹ - người luôn động viên, khích lệ em, dành tặng cô chủ nhiệm Thùy Linh và ban giám hiệu nhà trường đã tin tưởng, trao cho em cơ hội và tạo điều kiện tốt nhất cho em cũng như các bạn trong đội tuyển suốt quá trình ôn luyện và tham gia cuộc thi ở Thái Lan.
Ở quê em vẫn còn nhiều bạn nữ phải nghỉ học sớm, có thể là do hoàn cảnh gia đình, cũng có thể là do quan niệm về hôn nhân, về sự học. Điều đó khiến em rất buồn. Em mong muốn các bạn sẽ cố gắng vượt quan niệm, nghịch cảnh, tiếp tục học, sau này có cơ hội tốt hơn để thay đổi cuộc sống. Em nghĩ, em làm được thì các bạn cũng sẽ làm được", cô nữ sinh Đan Lai chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Nghệ An - cho biết, thời điểm vào trường, Vi Na không phải là học sinh nổi trội, điểm thi tiếng Anh của em cũng không phải là cao. Tuy nhiên, em là học sinh có tố chất thông minh, chăm chỉ, ngoan ngoãn và đặc biệt có quyết tâm cao.
"Vi Na không phải là học sinh Đan Lai đầu tiên rời bản làng xuống với mái trường dân tộc nội trú tỉnh, nhưng em là học sinh Đan Lai đầu tiên giành giải thưởng ở một cuộc thi quốc tế.
Kết quả này không chỉ là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, cố gắng của bản thân em, mà còn là kết quả chiến lược giáo dục đang thực hiện của Ban giám hiệu nhà trường; sự tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy của đội ngũ giáo viên bộ môn toán và của cá nhân giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thùy Linh", cô Kiều Hoa chia sẻ.
Theo nữ hiệu trưởng, từ thành công của đội tuyển tại cuộc thi Olympic toán học quốc tế TIMO, nhà trường tự tin tạo ra các sân chơi và bồi dưỡng để các em tham gia các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Ngoài Toán TIMO, trong năm học vừa qua, các đội tuyển của Trường tham dự và giành giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tổ chức tại Ba Lan và Hàn Quốc.