Hứng chịu nước xả thải lềnh phềnh váng mỡ, bà con trồng cây gì chết cây đó
Độc giả Trần Tài - huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng:
"Đã 6,7 năm nay, khu vực suối Thái Bình, thôn 7, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng nề. Trước đây, khu vực này là vườn rẫy của bà con, nguồn nước và nguồn đất phục vụ rất tốt cho việc trồng cà phê, trồng bí. Tuy nhiên, theo quan sát của người dân và chúng tôi tự quay lại được hình ảnh, thì đã xuất hiện một số ống xả thải không rõ nguồn gốc, xả thẳng ra suối Thái Bình, khiến nguồn đất và nguồn nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động xả thải chủ yếu diễn ra vào ban đêm, nước thải có màu đỏ ngầu, lềnh phềnh váng bọt như mỡ động vật, kéo theo mùi hôi thối. Sau đó cây trồng trong vườn rẫy đều có hiện tượng chết dần. Thậm chí, sau này chúng tôi cũng không thể trồng loại cây hoa rau màu nào trên nguồn đất này.
Bà con rất khổ, ngày ngày phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm, đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được xử lý, tái diễn suốt nhiều năm liền.
Mong chương trình Nông Thôn Xanh vào cuộc, giải quyết triệt để các ống xả thải này, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân chúng tôi".
Khói mù mịt trời từ bãi rác thải khổng lồ ven trục đường lớn
Độc giả Đặng Quỳnh - huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc:
Gần đây, bãi tập kết rác thải xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc gần nhà tôi ngày càng "phình to" ra, tiến sát ra mặt đường lớn nối từ trung tâm huyện đi thị trấn Thanh Lãng. Bãi rác này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, giao thông, sức khỏe của người dân. Sống gần khu vực bãi rác, ngày nắng cũng khổ, mưa cũng khổ. Thời gian gần đây, tình trạng đốt rác diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Khói bụi mù mịt phủ trắng xóa cả một vùng trời. Những người dân sống quanh khu vực bãi rác chúng tôi rất lo lắng về vấn đề sức khỏe, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ trong nhà. Khói mù mịt còn gây giảm tầm nhìn người dân đi lại trên đường lớn, rất dễ xảy ra các tai nạn giao thông.
Mong chương trình Nông Thôn Xanh chia sẻ để người dân hạn chế vứt rác thải bừa bãi và chấm dứt hành động đốt rác không theo quy định, đảm bảo bầu không khí trong lành cho địa phương.
Nhóm bạn trẻ chung tay dọn sạch rác thải, trả lại cảnh quan xanh cho điểm du lịch địa phương
Độc giả Nguyễn Xuân Thượng - huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
Thời gian vừa qua, chúng tôi có nhận được rất nhiều phản ánh từ du khách về tình trạng xả rác thải bừa bãi trên khu vực đồi Kankin – một địa điểm du lịch checkin, cắm trại nổi tiếng của địa phương. Tôi và các thành viên trong nhóm Xứ D'ran đã cùng nhau tham gia dọn sạch rác thải tại khu vực này, nhằm giữ gìn khung cảnh đẹp của địa phương trong phong trào phát triển du lịch. Trong một ngày làm việc, chúng tôi đã thu gom được rất nhiều rác, cảnh quan khu vực cũng được trả lại nguyên vẹn. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã cẩn thuận thiết kế và buộc những túi đựng rác vào những gốc cây để khách tham quan có thể để rác gọn gàng vào đó. Định kỳ nhóm sẽ lên đây thu gom rác tại những túi này để đem đổ.
Mong qua hoạt động này, độc giả của Nông Thôn Xanh và đặc biệt là các du khách lên khu vực đồi Kankin sẽ có ý thức hơn trong việc xả rác, cùng nhau gìn giữ môi trường cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của chúng ta.
Chàng trai với "gia tài" hơn 1000 sản phẩm đồ chơi tái chế từ vật dụng bỏ đi
Độc giả Lưu Chung Nghĩa - huyện Đông Anh, TP Hà Nội:
Với niềm đam mê sáng chế, tái chế, tôi hiện nay "sở hữu" bộ sưu tập hơn 1000 sản phẩm là những loài động vật, robot, đồ chơi... Tất cả đều được tái chế từ những đồ vật bỏ đi như bìa carton cũ, vỏ lon, vỏ chai nhựa… Phần lớn những đồ vật tôi làm ra đều có hình dạng nhỏ, ngộ nghĩnh, phù hợp với trẻ em. Vỏ lon và chai nhựa trước khi lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh đều được tôi mài, dũa gọn gàng, tránh gây tổn thương cho người sử dụng. Sau khi sản phẩm "ra lò", tôi dành tặng người thân, bạn bè và các trung tâm trẻ em... Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên cho mượn những đồ tái chế của mình để trưng bày tại các triển lãm về môi trường diễn ra trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, tôi cũng sở hữu những kênh youtube, facebook hướng dẫn tái chế, sáng tạo các loại đồ chơi đơn giản dành cho trẻ em và các bậc phụ huynh quan tâm.
Mong rằng sau khi chia sẻ qua chương trình Nông Thôn Xanh, các bạn nhỏ sẽ có ý thức hơn trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải, đặc biệt có thể thỏa sức sáng tọa từ chính những vật dụng bỏ đi trong cuộc sống hàng ngày.
Hãy theo dõi chương trình Nông Thôn Xanh vào sáng thứ 5 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media để biết thêm những thông tin nổi bật về môi trường nông thôn trên khắp cả nước.
Mọi ý kiến đóng góp, phản ánh về môi trường nông thôn của độc giả xin hãy gửi về Hộp thư Nông Thôn Xanh tại địa chỉ Email: nongthonxanhdanviet@gmail.com hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt, Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay, Lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Chương trình Hộp thư Nông Thôn Xanh sẽ được phát sóng vào sáng thứ 4 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media.
Xin trân trọng cảm ơn!