Sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thành lập ban kiểm phiếu do bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên làm trưởng ban.
Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Các mức đánh giá vẫn là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, như các lần lấy phiếu trước đây.
Đầu giờ chiều, Quốc hội nghe Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Danh sách 44 người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được lấy phiếu ở kỳ họp này đã được Quốc hội thông qua chiều 24/10.
5 nhân sự được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lần này gồm ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước; ông Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng; ông Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng; ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc đánh giá đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ tại kỳ họp thứ 6 mà là cả quá trình từ đầu nhiệm kỳ đến bây giờ.
"Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đảm bảo tính khách quan, không ảnh hưởng đến lá phiếu của các đại biểu Quốc hội", ông Giang nói.
Theo ông Giang, việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
"Những nội dung này được xem xét, nhìn nhận và đánh giá trong quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm", ông Giang nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để người được lấy phiếu nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân, cử tri cả nước để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác.
Đây cũng là cơ sở, căn cứ quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho hay, tài liệu về từng nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm đã được Ban Công tác đại biểu gửi rất sớm và rất chi tiết.
Trong báo cáo đánh giá hoạt động, các nhân sự chủ động tự đánh giá tình hình hoạt động, nhận xét các hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, giải pháp khắc phục thời gian tới.
"Đọc kỹ tài liệu, các đại biểu sẽ phần nào có thể đưa ra được ý kiến xác đáng và thể hiện trong lá phiếu", ông Huân nói.
Còn đại biểu Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn rất quan trọng. Bởi vì, với người giữ chức vụ, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa".
"Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, đây là cách để tạo điều kiện cho người dân giám sát. Từ đó, cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu hoặc phê chuẩn. Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn, thể hiện không khí dân chủ, tích cực trong xã hội", ông Sơn nói.