Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Căn cước, thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014.
Điều 9 Dự thảo quy định, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, tôn giáo, nơi ở tạm trú và thường trú… Đồng thời, bao gồm cả nhóm máu của người dân (khoản 12, Điều 9).
Điều 15 Dự thảo về thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước quy định chúng bao gồm đa phần thông tin trong Điều 9 nói trên cùng: Thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Ngoài ra, thông tin cơ sở dữ liệu bao gồm: "Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu; trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở và các mức độ định danh điện tử" (các khoản 4,5 của Điều 15).
Trình bày ý kiến, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng cần bỏ bắt buộc thu thập thông tin về mống mắt, ADN trừ khi người dân "tự nguyện cung cấp". Hoặc trường hợp khác, khi giải quyết vụ việc được giao, cơ quan tố tụng có thể trưng cầu giám định về mống mắt, ADN rồi chia sẻ cho dữ liệu căn cước.
Đại biểu Mạc nêu lý do, ở nhiều địa phương, trang thông tin chuyên dụng thu thập chưa đủ điều kiện; việc thu thập thông tin mống mắt chưa khả thi trong thực tiễn và cũng "chưa cần thiết phải thu thập bắt buộc".
Có hơn 80 triệu căn cước đã được cấp, đều chưa bao gồm thông tin về mống mắt nên không cần thiết phải bổ sung, đại biểu Mạc nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, cần xem xét lại việc bắt buộc thu thập thông tin về nhóm máu vì "ảnh hưởng đời tư cá nhân" và không thống nhất với Luật Cư trú. Cụ thể, Luật Cư trú không bắt buộc cập nhật nhóm máu lên cơ sở dữ liệu.
Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ Công an giải thích thêm bởi người dân băn khoăn: "Thẻ căn cước có gắn chip thì dân đi đến đâu, công an biết hết hay không? Tôi cũng không giải thích được việc này".
Ông Hòa cũng đề nghị làm gì cũng "nghiên cứu trước khi thực hiện", bởi trước đây, thẻ căn cước công dân, giờ lại thay thành thẻ căn cước; trước cấp căn cước không gắn chip, sau lại cấp thẻ gắn chip khiến người dân phiền hà.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, Trung tướng, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…
Đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.
Phát biểu góp ý, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành tên gọi Luật Căn cước, vì tên gọi này thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật, bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo luật.
Đại biểu cũng cho rằng, tên gọi Luật Căn cước cũng thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta. Việc thay đổi tên thẻ cũng đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đại biểu Nga, việc sửa đổi tên Luật cũng hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho Hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực. Nếu để tên thẻ là thẻ Căn cước công dân thì chưa đảm bảo tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của quốc tế, có thể phát sinh khó khăn nhất định khi dùng thẻ ở các quốc gia khác, hoặc dùng thẻ với mục đích hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014. Một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên tên gọi như luật hiện hành.
Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra thể hiện việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta.
Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân. Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân.
Cũng theo ông Tới, việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên Luật Căn cước và tên thẻ căn cước như Chính phủ trình.