Khu tập thể gần 70 tuổi xập xệ giữa trung tâm Hà Nội, người dân thấp thỏm, lo sợ
Ghi nhận của PV Dân Việt, khu tập thể có khoảng 24 gian nhà, gồm cả hộ gia đình và người thuê nhà sinh sống.
Trước đây, mục đích xây khu tập thể này nhằm phục vụ cho các bộ cấp cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, nhiều người đã chuyển đi và nhượng lại cho những người từ nơi khác đến.
Sinh sống tại đây hơn 50 năm, ông Đào Quang Thọ (SN 1955) cho biết, đây là công trình lâu đời mang đậm tính lịch sử, đến nay, nét đặc trưng kiến trúc gần như vẫn giữ nguyên. Do nhiều chi tiết trong khu tập thể dùng gỗ để xây dựng nên tình trạng mối mọt là điều không thể tránh khỏi.
“Cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã chỉ đạo tu sửa khu tập thể này, thông qua việc gia cố các cột nhà bằng sắt, xây bức vách tầng 1 bằng gạch chắc chắn, kiên cố. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ sở hạ tầng xuống cấp, xập xệ, nhiều mối nguy cho hộ dân. Chúng tôi mong muốn khu tập thể được trùng tu để đảm bảo không gian sinh hoạt an toàn hơn, tuy vậy, phương án trùng tu như nào để vẫn giữ được chứng tích lịch sử cho thế hệ mai sau là điều cần xem xét” - ông Thọ bày tỏ nguyện vọng.
Ông Phạm Nguyên Bảo (SN 1956) - hộ dân sống trên tầng 2 khu tập thể - cho hay, ở đây có những căn đã mua đi, bán lại đã 5 - 6 lần. Nhiều người có điều kiện hơn đã chuyển đi nơi khác vì không chịu được không gian sống chật chội, ọp ẹp. Hiện đa số hộ dân vẫn chấp nhận ở đây đều đã cao tuổi, không đủ khả năng mua nhà mới.
“Ai cũng nhận thức được bất cập, nguy cơ cháy nổ, sàn nhà ọp ẹp, có thể sập bất cứ lúc nào; hiện không gian ẩm thấp, rêu mốc, chuột gián nhiều vô kể. Nhưng liệu có cơ hội nào cho những người kinh tế khó khăn mà di dời được…” - ông Bảo thở dài.
Bỏ ra 100 triệu đồng cách đây hơn 20 năm để mua gian nhà 30m2 khu này, gia đình bà Kiều Thị Hiên (SN 1960) đã tốn không ít kinh phí để sửa sang nội thất bên trong. Theo tìm hiểu của PV, đây là một trong số ít ỏi căn nhà có hình thức sáng sủa, khang trang trong khu tập thể. Dù không gian nhỏ, bà Hiên vẫn sắp xếp đồ đạc ngắn nắp, dán giấy toàn bộ tường để cải thiện không gian sinh hoạt.
Bà Hiên cho biết thêm, trần nhà tầng 1 không được kiên cố vì sàn tầng 2 làm bằng gỗ, bất cứ tiếng bước chân hay tiếng nói chuyện đều nghe thấy rõ. Nhiều người sống dưới tầng 1 e ngại việc sập sàn xảy ra bất cứ lúc nào, đồng thời chất liệu xây dựng rất dễ bén lửa, nếu xảy ra chập điện, không ai lường trước được hậu quả.
“Có những đêm, tôi hay giật mình bật tỉnh vì nghe thấy tiếng rầm rầm ở tầng trên, cứ tưởng có cháy, may là tiếng bước chân người” - bà Hiên nhớ lại.
Trước đó, năm 2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 8630/UBNDTNMT chỉ đạo thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng, di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu nhà gỗ số 1A, 7, 9, 10, 11, 14, 16, 17 tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm thuộc diện nguy hiểm theo pháp luật. Tuy nhiên, đến nay điều này vẫn chưa thành hiện thực.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được: