Nữ giám thị đọ độ "quậy" với học trò
Trong phòng giám thị, cô giáo đã vào độ tuổi U70 Dư Thị Lan Hương yêu cầu học trò viết kiểm điểm vì đánh bạn. Lý do đánh bạn rất đơn giản: "Con xin bạn kia cho ăn xíu mì ly mà nó xía vô: Thôi đừng xin ăn nha. Con tức nên lỡ đánh vào vai bạn".
Học trò vừa viết vừa quệt nước mắt. Cô giám thị nhận bản kiểm điểm xong thì đưa cho trò 20.000 đồng: "Vô căng tin mua mì ăn nha". Thằng bé chỉ kịp "dạ" rồi cầm tiền chạy ù đi.
Đó là một trong những vụ việc diễn ra thường kỳ mà cô Lan Hương phải xử lý từ khi về một ngôi trường tư ở quận 1, TPHCM, nhận công tác giám thị.
"Xưa dạy học vui, giờ làm giám thị còn vui hơn. Vì mình được gần học trò thêm một nấc nữa, mà lại gần những đứa học trò nghịch nhất, phá nhất. Mình được đọ độ quậy phá với chúng", cô Lan Hương hào hứng nói về công việc đảm nhận hai năm nay.
Từ phòng giám thị, mỗi khi cô Lan Hương gọi qua loa "mời em tên A xuống phòng giám thị nhận quà khủng dưới 1 tỷ đồng" là cả trường vỗ tay vang rền kèm những tiếng cười thích thú. Ai cũng biết thế là có một học sinh vừa phạm lỗi đã bị cô giám thị "check VAR".
Trường rộng, học sinh đông, để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các vụ quậy phá, đánh lộn, cô Lan Hương sử dụng "đội tình báo" là chính các học sinh trong trường.
Giữ bí mật về cách thức "dụ" học trò làm "tay trong", cô Lan Hương lý giải muốn hiểu học trò thì phải dùng chính học trò: "Mình phải nắm được các nguy cơ để kịp thời "gỡ bom". Phải có chiêu. Chặn bên này, xúi bên kia. Chứ đợi tới khi bom nổ mới giải quyết thì quá muộn rồi".
Thời gian trước, có một nhóm học sinh lớp 6-7 cả gái lẫn trai chơi trò… tụt quần rồi quay clip lại. Clip chưa kịp phát tán, cô Lan Hương đã biết có vụ việc.
Cô gọi các học sinh vào phòng, vừa mắng vừa diễn kịch: "Chơi thì phải chơi sang trọng chứ ai lại chơi tụt quần. Còn chuyện gì sang nữa không các con? Lần sau nha, còn chơi tụt quần quay clip nha, chơi với cô. Cô tụt con trước, con tụt cô sau. Cô không sợ đâu. Cô già rồi sợ gì. Cô còn có chồng rồi. Còn tụi bay sẽ ế vì tụt quần không ai cưới".
Thế là cả đám học sinh bấm bụng cười. Nhưng cười mà biết mình sai. Cả nhóm tình nguyện xóa hết clip trò nghịch dại trong điện thoại trước mặt cô. Không một clip nào bị phát tán lên mạng xã hội.
Nhưng cũng có lần, cô Lan Hương phải giải quyết vụ việc khi "bom đã nổ". Đó là thời điểm cô vừa về trường. Một học sinh rất cao lớn, sở hữu nhiều huy chương võ thuật, đánh gãy tay học sinh trường bên cạnh vì bị bạn miệt thị ngoại hình to lớn của mẹ. Đơn trình báo từ gia đình bị hại lập tức được gửi lên công an.
Một mặt, cô Lan Hương tìm mọi cách tư vấn để gia đình học sinh thuyết phục được gia đình bên kia rút đơn bãi nại, chủ động xin lỗi, bồi thường viện phí thuốc men. Mặt khác, cô làm công tác tâm lý với học sinh.
Xem clip thấy học sinh của mình không hề dùng vũ khí gậy gộc, chỉ đánh tay không, cô tin trò hiền lành, chỉ là không kiềm chế được cảm xúc. Cô gọi học sinh vào phòng thủ thỉ: "Cô mà là con, có thể cô đánh nó nặng hơn. Cô cũng nóng tính như con nè. Mà dám xúc phạm mẹ cô là cô không để yên.
Nhưng con ơi, nó có làm sao thì con ở tù. Mẹ con đau lòng. Bảo vệ mẹ là phải làm cho mẹ yên tâm và tự hào về mình chứ con. Giờ chuyện xong rồi, con nghĩ xem sau này đối diện với những đứa bạn như thế, con nên làm gì?
Mà con bự thế này, con lấy sức đi bảo vệ những đứa em bị bắt nạt. Gặp đứa nào bắt nạt bạn, con lôi nó tới cô, để cô xử".
Học trò "bự con" đó sau này trở thành một "tình báo viên" của cô Lan Hương. Và đúng như cô nhận định, đó là một học trò rất hiền lành, tình cảm. "Đừng nhìn vào hành vi bộc phát trong cơn nóng giận để vội vàng đánh giá một con người, nhất là một đứa trẻ", cô Lan Hương bày tỏ.
Nghiên cứu từng clip bạo lực học đường để hiểu học trò
Cô Dư Thị Lan Hương nói, cô có thói quen xem rất kỹ các clip bạo lực học đường phát tán trên mạng để tìm hiểu căn nguyên, bối cảnh, không gian mà bọn trẻ phát sinh hành vi bạo lực.
Cô nhận ra quy luật học trò thường bạo lực với nhau vào giờ ra chơi và cuối giờ học, khi các thầy cô không có mặt trên lớp. Nhà vệ sinh cũng là nơi dễ xảy ra gây gổ, đánh lộn.
Do đó, cô ra quy định học sinh không được ở trên lớp khi không có giáo viên hoặc bảo mẫu. Cô cũng thường xuyên đột xuất kiểm tra nhà vệ sinh cả nữ lẫn nam.
Ban đầu học sinh phản ứng, không chấp hành. Cô Lan Hương không ngại đóng vai phản diện, thúc giục học sinh xuống sân trường bằng giọng nói cường điệu hài hước qua loa phát thanh hoặc nhảy như một người điên trên các hành lang. Có một giám thị quậy tưng như thế, học sinh nào cũng chịu thua.
Quan sát thấy học trò sau khi uống trà sữa, nước tăng lực thì tinh thần dễ bị kích thích, trở nên hung dữ hơn, cô Lan Hương yêu cầu cha mẹ quản lý việc ăn vặt của con. Bên cạnh đó, những món đồ chơi bạo lực như dao phóng bằng nhựa, bút viết hình ống chích của học sinh bị cô tịch thu, sau đó gọi cha mẹ lên trao đổi về tác hại.
"Có những thứ tưởng là vô hại nhưng vô tình tiêm nhiễm vào đầu bọn trẻ mầm mống của bạo lực. Nếu giám thị không kiên quyết, ngại va chạm với phụ huynh thì người chịu hậu quả là học trò của mình", cô Lan Hương nhấn mạnh.
Nữ giám thị U60 thích thú chia sẻ về những danh xưng mà hai năm qua học trò đặt cho: Mama tổng quản, công an, cảnh sát, xã hội đen, bà nội và bà điên... Có lần cô hỏi học trò xem cô và một học sinh nổi tiếng "anh chị" ở trường ai "xã hội đen" hơn, học trò không ngại nói thẳng: "Cô chứ ai!".
Với giọng cười hào sảng, cô Dư Thị Lan Hương thổ lộ: "Thế là tôi biết tôi hoàn thành vai diễn của mình rồi. Công việc này là vậy đó, lúc là xã hội đen, lúc là trẻ nít, lúc là bà nội bà ngoại, lúc dỗ ngọt chúng, lúc hung dữ khi cần. Biến báo làm sao cho tròn vai vào từng vở kịch, có khóc, có cười, có bi, có hài của bọn trẻ để cảm hóa chúng, hướng chúng theo lối thiện mà đi".