Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, Bộ Công an dự kiến định danh số nhà và căn hộ chung cư để xác định mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản. Đồng thời, triển khai sàn giao dịch bất động sản quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức giao dịch. Điều này sẽ giúp minh bạch thị trường bất động sản.
Muốn xác định được bất động sản phải định danh được số nhà và định danh chủ tài sản của các bất động sản đó. Do đó, định danh số nhà, số căn hộ sẽ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản (địa chỉ nhà ở, số căn hộ).
Từ đó, tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân, để cho những đơn vị trung gian khác (bưu điện, chuyển phát nhanh...) khai thác, sử dụng khi giao nhận hàng đảm bảo được chính xác nhất.
Báo điện tử Dân Việt đã ghi nhận được nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.
Bạn đọc Tuấn Dương cho biết, gọi là định danh, nhưng thật ra chỉ là số hóa, liên kết dữ liệu đã có. Bên cạnh số nhà, sẽ có một mã nhận dạng tra cứu trên hệ thống để lưu trữ địa chỉ, tọa độ, chủ sở hữu, số điện thoại.
Đồng thời cũng có thể liên kết với các định danh khác như chủ nhà, người thuê trọ, người thuê khách sạn...Nước ngoài đã làm việc này từ lâu, rất thuận tiện cho quản lý nên cần thiết phải làm.
"Việc này nên làm từ lâu và phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng làm. Mỗi căn nhà đều có tọa độ vị trí rồi, nó phải được xây dựng thành bộ cơ sở dữ liệu quốc gia và mọi công dân đều có quyền tiếp cận ở mức độ nào đó. Ví dụ, xác định xem địa chỉ khách hàng cung cấp có thật hay không" – bạn đọc Lại Nam Phương nêu ý kiến.
Trong khi đó, bạn đọc Hiền Hà bày tỏ, đây là căn cứ để xác định và phân hóa lại việc sở hữu nhà của người dân, góp phần tạo công bằng về nhà ở cho tất cả mọi người.
Ngoài ra, nên đánh thuế cá nhân sở hữu nhiều nhà đất, mục đích đầu cơ kinh doanh kiếm lời. Bởi, nhà là dùng để ở chứ còn kinh doanh thì nên đóng thuế đầy đủ và minh bạch cho nhà nước.
Bạn đọc Ngọc Anh lại tỏ ra băn khăn và cho rằng, trước khi định danh số nhà, đề nghị các cơ quan chức năng rà soát, cấp lại số nhà theo đúng quy hoạch, đề án có từ năm 2006, tránh tình trạng cùng hẻm, cùng dãy nhưng số nhà nhảy cóc, sử dụng số nhà cũ lẫn lộn với số mới.
Còn bạn đọc Hùng Liên nhận định, định danh số nhà để kiểm kê nhà đất là hợp lý, còn để giao hàng nghe không thuyết phục. Ví dụ, các bãi đất trống, họ thuê làm kho xưởng tạm làm gì có số nhà, người ta cứ lấy tạm một số nhà hoặc cái quán gần đấy, giao hàng đến đó là người ta ra nhận.
"Nhà cũng là một loại hàng hóa như xe hơi, xe máy nên một người cũng có thể mua nhiều căn nhà, nay mua mai bán. Nhưng nhà đất khác với xe là nếu bán rồi, chủ không thể giữ lại số nhà, cho nên theo tôi nếu định danh số nhà sẽ làm phúc tạp hơn cho nhiều người" – bạn đọc Hiền Ly nói.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Ở Việt Nam, pháp luật quy định đất đai, nhà ở là tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Cơ quan quản lý đất đai, nhà ở là chính quyền địa phương, cơ quan chuyên trách là tài nguyên môi trường. Hiện nay các cơ quan này đã có tương đối đầy đủ dữ liệu về nhà ở, về đất đai.
Bởi vậy, nếu số hóa các thông tin này theo đề án chuyển đổi số quốc gia thì phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền phải thuộc về cơ quan tài nguyên môi trường.
Vì khi cơ quan tài nguyên môi trường thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với tất cả các thửa đất, thực hiện chính chủ đối với nhà đất, đồng thời chuyển đổi số, số hóa thông tin về bất động sản, đó là việc làm thu gọn một đầu mối.
Sau khi có thông tin được cập nhật, số hóa từ cơ quan về tài nguyên môi trường rồi sử dụng dữ liệu này để cập nhật vào hệ thống dữ liệu dân cư hoặc có thể sử dụng liên thông với các cơ quan chức năng để phục vụ công tác quản lý cũng như thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính pháp lý theo quy định pháp luật.
Vì thế, nếu đầu tư chi phí, tiền của, công nghệ cho việc định danh tài sản cá nhân mà chỉ để sử dụng để cấp thông tin chủ sở hữu tài sản với thông tin về số nhà để giao hàng cho nhanh chóng, mục tiêu này là không hợp lý, gây lãng phí tốn kém.
Bên cạnh đó, hiện nay rất nhiều người có nhà cho thuê hoặc có nhiều nhà nên khi giao hàng, chuyển hàng không nhất thiết phải chuyển cho chủ nhà, sẽ có người được ủy quyền để nhận hàng, nhận bưu kiện.
Ngoài ra, người giao hàng chỉ cần biết người nhận là ai chứ họ không cần biết chủ sở hữu bất động sản là ai. Để biết người nhận hàng, chỉ cần số điện thoại và địa chỉ nơi nhận hàng là đủ, thậm chí địa chỉ cũng không cần chi tiết.
Vị chuyên gia khẳng định, định danh số nhà, quản lý chặt chẽ bất động sản là xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Việc thực hiện quản lý bất động sản theo hướng "nhà chính chủ", quản lý tài sản trong xã hội là việc cần làm của các chính phủ.
Tuy nhiên, đây là vấn đề khá nhạy cảm vì liên quan đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân. Bởi vậy, khi tổ chức thực hiện cần có kế hoạch rất cụ thể, đồng thời tuyên truyền phổ biến để người dân nắm được sự cần thiết, những lợi ích mà họ có thể có được khi định danh số nhà.
Còn nếu mục đích định danh số nhà chỉ để rõ ràng thông tin ngôi nhà nào ai đang sử dụng hoặc chỉ để cho người giao hàng giao đúng địa chỉ thì không phải thực hiện việc định danh vì không phải là vấn đề lớn.
Hơn nữa, nếu việc định danh cá nhân về tài sản nhằm mục đích quản lý tài sản của từng công dân nhưng không kiểm soát được tình trạng đứng tên hộ bất động sản, vậy những thông tin về định danh bất động sản cũng chỉ có tính chất tương đối. Người đứng tên bất động sản chưa chắc đã phải là chủ sở hữu thực sự đối với bất động sản đó.
"Khi chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với tất cả các thửa đất, khi việc đứng tên hộ bất động sản vẫn còn thì việc định danh số nhà là không thể thực hiện được" – ông Cường nêu quan điểm.