Trong các bộ tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung, ngoài những anh hùng dọc ngang thiên hạ, những bộ võ công độc bá còn có rất nhiều món tuyệt thế thần binh. Đây đều là những binh khí lợi hại giúp chủ sở hữu tung hoành giang hồ, chính vì vậy dẫn đến những cuộc tranh cãi xem đâu là món binh khí "bá đạo" nhất.
Huyền Thiết Trọng Kiếm được xem là binh khí vô cùng lợi hại trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung gắn liền với hai cao thủ võ lâm: Độc Cô Cầu Bại và Dương Quá.
Huyền Thiết Trọng Kiếm được rèn từ thép đen, loại thép trân quý nhất trong thế giới võ hiệp. Thanh kiếm này bề ngoài xấu xí, không sắc bén, nặng đến hơn 100kg - nặng nhất trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung
Dù khá khó sử dụng lại không sắc bén nhưng mỗi chiêu Huyền Thiết Trọng Kiếm đánh ra có sức công phá khủng khiếp, có khả năng đánh tan cả một đạo quân, phá nát mọi bảo giáp tốt nhất.
Độc Cô Cầu Bại trước năm 40 tuổi dùng Huyền Thiết Trọng Kiếm tung hoành thiên hạ mà không tìm ra đối thủ. Dương Quá cũng nhờ thanh kiếm này mà trở thành đệ nhất cao thủ bất khả chiến bại trong bộ tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ.
Đồ Long Đao xuất hiện trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký, được vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung rèn ra từ Huyền Thiết Trọng Kiếm được Dương Quá tặng lại kèm với một số khoáng thạch hiếm có.
Đồ Long Đao được miêu tả là một thanh đao to bản, đen trũi, nặng hơn trăm cân, vô cùng sắt bén, có sức mạnh “phá thiên diệt thế”, uy lực vô song. Bất kể vũ khí nào khác khi chạm vào lưỡi đao Đồ Long (trừ Thánh Hỏa Lệnh) đều phải tan thành trăm mảnh.
Bên cạnh đó, Đồ Long Đao còn cất giấu tuyệt thế võ công Hàng Long Thập Bát Chưởng và Võ Mục Di Thư, binh pháp hành quân bố trận trên chiến trường của danh tướng Nhạc Phi (thời Tống). Bởi vậy mà ai có được Đồ Long Đao sẽ có khả năng “hiệu lệnh thiên hạ”.
Sau này trong tiểu thuyết, Chu Nguyên Chương nhờ được Trương Vô Kỵ giao lại Đồ Long Đao mà trở thành “võ lâm chí tôn”, lên ngôi hoàng đế.
Ỷ Thiên Kiếm được rèn từ phần còn lại của Huyền Thiết Trọng Kiếm sau khi rèn xong Đồ Long Đao (có bản lại nói được rèn từ Quân Tử kiếm và Thục Nữ kiếm), bên trong có cất giấu pho tuyệt tuyết võ công Cửu âm chân kinh.
Ỷ Thiên Kiếm được miêu tả chứa luồng hàn khí đáng sợ, chỉ cần kiếm ra khỏi vỏ đã lấn át khí thế của kẻ thù và mỗi khi xuất chiêu ắt nhuốm máu địch. Thanh kiếm này chém sắt như chém bùn mang trong người sức mạnh bất khả chiến bại của Độc Cô Cầu Bại năm xưa.
Chưởng môn đời thứ 3 của phái Nga Mi là Diệt Tuyệt Sư Thái võ công chỉ thuộc hàng khá nhờ có thanh tuyệt thế hảo kiếm này mà tung hoành ngang dọc trong thiên hạ, khiến người người nể sợ.
Kim Xà Kiếm xuất hiện trong tác phẩm Bích Huyết Kiếm, là bảo vật trấn phái của Ngũ Độc Giáo sau về tay của Kim Xà Lang Quân – Hạ Tuyết Nghi.
Đặc trưng làm nên tên tuổi của thanh kiếm kỳ lạ này là mỗi khi vận dụng nội công truyền vào, kiếm sẽ biến sắc chuyển sang màu vàng, tỏa ra kim quang chói lóa, đầu kiếm phân ra như lưỡi rắn.
Đây được xem là thanh bảo kiếm kỳ dị, có uy lực bậc nhất các bộ tiểu thuyết, đã giúp Kim Xà Lang Quân tung hoành thiên hạ, báo thù cho gia tộc. Viên Thừa Chí tình cờ phát hiện Kim Xà Kiếm và Kim Xà bí kíp mà cũng trở thành cao thủ hàng đầu thiên hạ.
Chủy thủ của Vi Tiểu Bảo
Thanh đoản kiếm (chủy thủ) này được Vi Tiểu Bảo tìm thấy trong khi tịch biên tài sản tại nhà Ngao Bái.
Lưỡi đoản kiếm này nhìn bề ngoài khá cũ kỹ khó coi, có màu đen (đoán rằng cũng được rèn từ thép đen) chẳng khác gì thanh kiếm gỗ. Tuy vậy, đoản kiếm này lại chém sắt như chém bùn. Mỗi khi lưỡi kiếm được rút ra thì tỏa một luồng khí lạnh rợn người.
Vi Tiểu Bảo dùng nó chém nhẹ các bảo kiếm khác thì không khác gì chém gỗ, chém bảo đao như cắt cây cỏ. Nhờ thanh đoản kiếm này mà Tiểu Bảo chiến thắng rất nhiều cao thủ như Ngao Bái, hàng chục tên Lạt Ma Tây Tạng…
Thậm chí chính độ sắc bén kinh hồn của thanh chủy thủ vô danh này đã làm dấy lên cuộc tranh luận khi có không ít ý kiến cho rằng nó hoàn toàn có thể là món binh khí lợi hại nhất trong các bộ tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung.