Quyết giành bằng giỏi nhưng sợ... thất nghiệp
Từ khi bước vào đại học, Trần Thùy Linh - sinh viên năm hai tại một trường đại học công lập ở TPHCM - đã đặt ra mục tiêu tập trung cho việc học để giành bằng tốt nghiệp loại giỏi.
Để đạt mục tiêu của mình, Linh dồn sức lực, thời gian cho việc học. Cô học ngày học đêm, ngồi mòn ở thư viện trường và còn "nhẵn mặt" tại Thư viện Tổng hợp thành phố.
Cô gái "nói không" với việc làm thêm, thậm chí chọn lọc kỹ lưỡng câu lạc bộ, các hoạt động xã hội trước khi tham gia.
Ngoài ra, Linh còn rất nghiêm khắc với bản thân, không để sa vào các hoạt động, tranh cãi, các mối quan hệ vô bổ cả ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội.
Nữ sinh 20 tuổi cũng không phủ nhận việc mình còn "từ chối chuyện yêu đương, không muốn vướng vào mối quan hệ nam nữ để tập trung cho việc học".
Thế nhưng gần đây, Linh có phần hoang mang khi nghe bạn bè và cả nhiều luồng ý kiến "bằng giỏi cũng thất nghiệp đầy ra".
Lên các diễn đàn việc làm, Linh gặp không ít trường hợp các anh chị cầm bằng giỏi ra trường vẫn chật vật tìm việc, thất nghiệp kéo dài. Ngoài đời, cô cũng đã gặp một vài trường hợp như vậy.
Nữ sinh còn nghe vài ý kiến nói rằng ở đại học cần gì học giỏi, chỉ cần học vừa đủ để ra trường kết hợp với lăn lộn, trải nghiệm sớm thực tế còn có lợi hơn.
"Đầu tư vào bằng giỏi liệu có lệch pha, lỗ nặng? Nhưng không lẽ mong muốn và có điều kiện học lại chọn học làng nhàng?", nữ sinh năm 2 trăn trở.
Băn khoăn có nên dốc hết sức để kiếm bằng đỏ sau khi ra trường là mối quan tâm của không ít sinh viên. Để đạt được mục tiêu này đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa việc làm thêm hay các hoạt động khác.
Nhưng tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp, kể cả với bằng giỏi nhiều năm qua làm nhiều bạn trẻ đang ngồi trên giảng đường cũng phải nhấp nhổm.
Bằng giỏi tràn lan vẫn có ưu thế?
Nhiều năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi, xuất sắc đã không còn là của hiếm, nếu không muốn nói là áp đảo.
Trong đợt trao bằng tốt nghiệp hệ chính quy mới nhất của Trường Đại học Luật TPHCM, trong số 1.482 cử nhân, chỉ có 63 sinh viên (chiếm tỷ lệ 4,25%) xếp loại trung bình, còn lại đều khá, giỏi, xuất sắc.
Trong đợt trao bằng tốt nghiệp năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế TPHCM, trong tổng số 4.327 cử nhân, có đến 2.103 sinh viên giỏi, xuất sắc.
Đợt tốt nghiệp cuối năm 2022 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chỉ có chỉ 24 sinh viên (chiếm tỷ lệ 1,15%) trong tổng số 2.079 sinh viên tốt nghiệp bằng trung bình, còn gần 99% sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, giỏi, khá.
Trước những con số này, cùng tình trạng cử nhân, thậm chí bằng giỏi ra trường cũng thất nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Mạnh - giám đốc nhân sự tại một công ty điện tử ở TPHCM - việc các bạn trẻ đặt câu hỏi có nên đầu tư cho bằng giỏi là rất thực tế. Điều đó cũng tương tự câu hỏi "có nên học đại học" kéo theo nhiều luồng ý kiến lâu nay.
Người này phân tích, hiện một số doanh nghiệp đã không đặt nặng chuyện ứng viên có bằng đại học hay không. Nhưng đó chỉ là số ít, phần lớn nhà tuyển dụng vẫn dựa vào bằng cấp để đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của ứng viên.
"Ở giảng đường, nhiệm vụ lớn nhất của các bạn là học thì không lẽ gì không nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất. Bằng giỏi sẽ luôn có nhiều cơ hội, lợi thế hơn", ông Mạnh nêu quan điểm.
Bằng giỏi, xuất sắc không còn "hiếm có khó tìm" nhưng thực tế, để đạt kết quả này, sinh viên phải tập trung cho việc học cũng như phải đáp ứng được nhiều điều kiện đi kèm. Ngoài điều kiện chung theo quy định của Bộ GD&ĐT, một số trường còn có điều kiện bổ sung của trường.
Theo quy chế 43 của Bộ GD&ĐT về đào tạo đại học, cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc có điểm trung bình chung tích lũy từ 3,6 đến 4,0; loại giỏi có điểm trung bình chung tích lũy từ 3,2 đến 3,59.
Hạng tốt nghiệp của những sinh viên có kết quả học tập toàn khóa loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức, nếu rơi vào một trong các trường hợp:
-Có khối lượng của các học phần phải thi lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình.
- Đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.
"Bằng giỏi có lợi thế" cũng thể hiện rõ qua mục tiêu, chính sách ưu đãi tại nhiều trường học, đơn vị tuyển dụng.
TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM - thông tin, trường đang xây dựng và sẽ sớm triển khai thực hiện chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc với nhiều hỗ trợ, ưu đãi trong tuyển dụng, đãi ngộ... Đồng thời, trường cũng hỗ trợ các bạn học nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để bổ sung cho đội ngũ giảng viên của trường.
Tại Trường Đại học Tài chính - Marketing, PGS.TS Phạm Tiến Đạt - hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường hướng đến mục tiêu đạt tỷ lệ 100% sinh viên có đạo đức tốt, kết quả học tập từ khá trở lên. Trong đó, có trên 70% đạt loại giỏi và 10% đạt xuất sắc, đủ điều kiện chuyển tiếp học lên thạc sĩ.
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường nhấn mạnh kết quả học tập luôn cần đi cùng các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng, thái độ.
Thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM, sở đang xét tuyển viên chức đối với các vị trí giáo viên bộ môn, chuyên viên, hành chính từ nguồn sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc với mức lương gấp đôi thông thường. Việc này áp dụng theo Nghị định 140 năm 2017 của Chính phủ về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc.
Các ứng viên thuộc diện này sẽ được xét tuyển thay vì thi tuyển, ngoài mức lương theo ngạch, bậc sẽ được hưởng thêm phụ cấp bằng 100% lương, trong vòng 5 năm (tức khoảng 8,5 triệu đồng một tháng, chưa tính thu nhập tăng thêm).