Thời gian qua, thị trường bất động sản ảm đạm đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị môi giới bất động sản. Hệ lụy, nhiều công ty, sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí phá sản vì không bán được hàng, không có dòng tiền duy trì hoạt động.
Chia sẻ với Dân Việt, giám đốc một sàn môi giới có trụ sở tại TP.Thủ Đức cho biết trong 2 năm qua, công ty đã liên tục cắt giảm nhân sự từ gần 500 sale (môi giới) đến nay chỉ còn vài chục người. Chính bản thân ông cũng phải cầm cố xe ô tô, nhà cửa để có tiền trả lương hằng tháng và vận hành bộ máy công ty. "Nếu đến hết 2023 thị trường không khởi sắc, nhiều khả năng công ty cũng phải tuyên bố đóng cửa vì không có tiền để hoạt động", vị này cho hay.
Liên quan đến tình hình hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản tại địa bàn, Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố danh sách 61 sàn giao dịch bất động sản hoạt động trên địa bàn thành phố và 17 sàn giao dịch bất động sản chấm dứt hoạt động.
Được biết, 17 sàn giao dịch bất động sản đã thông báo chấm dứt hoạt động, gồm: Sàn giao dịch bất động sản Cao Phú Thịnh (quốc lộ 1A, quận 12); Sàn giao dịch bất động sản Goland (số 47 Điện Biên Phủ, quận 1); Sàn giao dịch bất động sản VietLan (số 90A Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3); Sàn giao dịch Quốc Vương (Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân); Sàn giao dịch bất động sản Winning Access (số 384 Hoàng Diệu, quận 4); Sàn giao dịch bất động sản Milestone Land (TP.Thủ Đức); Sàn giao dịch bất động sản Khánh Hội (191 Trần Não, phường An Khánh, TP.Thủ Đức); Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land (số 720A Điện Biên Phủ, Bình Thạnh; Sàn giao dịch bất động sản Công ty TNHH Thịnh Vượng Chung (37 Hoa Mai, quận Phú Nhuận)...
17 sàn giao dịch bất động sản này chủ yếu được thành lập từ 2017-2022. Các sàn có thời gian hoạt động từ 1-2 năm. Đáng chú ý, sàn giao dịch bất động sản Hoàng Anh (quận 10) được thành lập từ năm 2009 cũng phải chấm dứt hoạt động từ tháng 9/2019.
Sở Xây dựng cho biết TP.HCM còn 61 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, chủ yếu được thành lập từ năm 2017 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết thời gian qua sức khỏe nhiều doanh nghiệp bất động sản đã suy yếu. Điều này dẫn đến số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tiếp tục xu hướng tăng.
Khảo sát với các hội viên của VARS, có tới 20% sàn giao dịch bất động sản đối diện nguy cơ giải thể, phá sản. 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao.
Số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt nhưng không nhiều. Nếu khó khăn tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM cũng thông báo kiểm tra 81 sàn giao dịch bất động sản được thành lập trong giai đoạn 2009-2017. Cụ thể, trong kế hoạch kiểm tra này, Sở Xây dựng sẽ tập trung vào đối tượng là 81 sàn giao dịch bất động sản. Nội dung kiểm tra sẽ bao gồm các yếu tố: Điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản; việc thực hiện báo cáo.
Việc kiểm tra sẽ thực hiện từ nay đến hết ngày 15/11, bao gồm các công tác như kiểm tra trực tiếp tại sàn giao dịch và lập biên bản, tổng hợp báo cáo kết quả.
Được biết, danh sách các các sàn giao dịch bất động sản lớn nhằm trong diện kiểm tra của đợt này sẽ bao gồm: Danh Khôi – DKS, CBRE, Savills Việt Nam, An Gia Hưng, Hưng Ngân, Him Lam Land, Khải Hoàn, Sao Việt, Tiến Phước, Phú Mỹ Hưng, An Gia, Trung Thủy, Đạt Gia…