Hoa ly là dòng hoa cao cấp đã du nhập vào Việt Nam hơn 20 năm nay và là loại hoa được rất nhiều người ưa chuộng. Để tạo ra cành hoa ly đẹp ngoài các yếu tố kỹ thuật chăm sóc thì bà con cần chú ý một trong những loại bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan và chất lượng hoa đó là bệnh cháy lá sinh lý. Trong số phát sóng hôm nay, hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu về cách nhận biết và phòng ngừa căn bệnh này.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Cách nhận biết và phòng trừ bệnh cháy lá sinh lý ở cây hoa ly
Bệnh xuất hiện khi nụ hoa chưa nở. Trước tiên, đầu lá non cuộn vào bên trong, sau mấy ngày trên phiến lá xuất hiện các vết ban từ màu xanh vàng sang màu trắng. Ở mức độ nặng, các vết ban trắng chuyển sang màu nâu, làm tổn thương đến chỗ phát sinh, phiến lá cong lại, ở mức độ nghiêm trọng, tất cả các phiến lá và mầm còn non đều rụng, cây không thể tiếp tục phát triển.
Bệnh thường phát sinh gây hại nặng ở giai đoạn cây hình thành nụ hoa, thông thường sau trồng từ 20 - 35 ngày, tùy theo giống có thời gian sinh trưởng dài hay ngắn.
Do mất cân bằng giữa hấp thụ nước và thoát hơi nước của cây; thời kỳ phân hóa nụ gặp phải nhiệt độ và ẩm độ không khí cao, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cao, thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột.
Trồng các giống mẫn cảm với bệnh (Lesotho, Sorbonne), trồng củ giống có kích thước lớn.
Thiếu hụt dinh dưỡng cũng là nguyên nhân quan trọng làm bệnh nặng thêm, trong đó thiếu hụt các nguyên tố trung, vi lượng như Canxi, Bo, Zn …
Đất nghèo dinh dưỡng, trồng cạn và tưới nước quá nhiều cũng là nguyên nhân gây nên bệnh cháy lá sinh lý.
- Làm đất kỹ, tơi xốp.
- Chọn những giống ít mẫn cảm với bệnh cháy lá như Belladona, Yelloween, Manissa, Concador…, không nên trồng củ có kích thước lớn (chu vi > 20cm).
- Đảm bảo độ ẩm đất, trồng đúng mật độ, trồng sâu vừa phải (mặt trên củ giống nên cách mặt đất 8 - 10cm).
- Ở giai đoạn phân hoá hoa, giai đoạn mẫn cảm nhất, giữ cho nhiệt độ, độ ẩm không bến động lớn, tốt nhất là duy trì độ ẩm khoảng 75%, che nắng để giảm bớt bốc hơi nước.
- Điều tiết ánh sáng hợp lý; cải thiện điều kiện thông gió trong vườn để tạo sự thông thoáng, tăng cường sự hấp thu các chất dinh dưỡng của cây.
- Điều chỉnh độ pH đất phù hợp với sinh trưởng phát triển của cây hoa Lily ( Độ pH thích hợp cho Lily thơm khoảng từ 5.5 - 6.5; ly không thơm từ 6.0 - 7.0 ).
- Bổ sung phân bón lá để giúp cây sinh trưởng mạnh ngay ở giai đoạn đầu. Sử dụng phân bón trung lượng có hàm lượng Canxi cao để bón lót và sau trồng 10, 20, 30 ngày. Với phân bón vào gốc khuyến cáo bón 2kg phân Calcium nitrate 26,5% cho 1.000 chậu (cây) hoa Lily/lần bón. Hoặc phun trực tiếp vào 2 mặt lá, không phun hoặc tưới nước vào đọt hoa.
- Khi phát hiện các lá ngọn dính chùm, nên dùng tay tách các lá ra để tạo sự thông thoáng, hạn chế bệnh gây hại nặng.
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com