Thông thường, sau lễ 2/9 cho đến trước Tết Dương lịch là giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không. Nhu cầu đi lại, du lịch... của hành khách trong thời điểm này thường không đông, khách chủ yếu tập trung đông đúc ở đường bay chính TP.HCM - Hà Nội. Riêng các chặng bay kết nối các điểm nóng du lịch cũng thưa thớt khách.
Tuy nhiên, nhiều hành khách cho biết dù đang giai đoạn thấp điểm, giá vé máy bay các chặng trong nước vẫn đang neo ở mức khá cao.
Ngày 2/11, khảo sát của Dân Việt trên trang bán vé của các hãng, giá vé chặng TP.HCM - Hà Nội trong tháng 11 của Vietnam Airlines dao động mức từ hơn 2 triệu đồng/vé phổ thông đến hơn 6 triệu đồng vé hạng thương gia. Đó là chưa kể, nếu mua vé sát giờ bay, hành khách phải tốn 3,5 triệu đồng/vé hạng phổ thông và gần 9 triệu đồng/vé hạng thương gia.
Trong khi đó, hãng Vietjet Air đang bán vé chặng bay này trong tháng 11 với giá 1,6 triệu/vé hạng Eco (không có hành lý kí gửi) và 4,5 triệu/vé hạng Skyboss. Nếu mua vé sát giờ bay, hành khách phải tốn 3 triệu/vé hạng Eco và 4,5 triệu/vé hạng Skyboss.
Ngoài ra, giá vé từ TP.HCM đi các địa phương khác như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vinh.... của các hãng cũng dao động mức vài triệu đồng, khan hiếm vé giá rẻ.
Vừa đặt vé từ TP.HCM đi Hà Nội để thực hiện chuyến công tác, anh Nguyễn Phương (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tá hỏa khi giá vé khứ hồi lên tới hơn 6 triệu đồng cho hạng phổ thông. Anh Phương cho biết, lịch bay của mình không phải ngày cuối tuần, lại không rơi vào giai đoạn cao điểm nhưng giá vé vẫn khá cao. Ngày thường giá vé đã đắt như thế khiến hành khách này lo lắng cho khoản chi phí sẽ phải bỏ ra để mua vé máy bay về quê cho gia đình trong dịp Tết.
Có thể thấy, giá vé máy bay giai đoạn thấp điểm năm nay đang tiệm cận giá vé các giai đoạn cao điểm, lễ Tết. Trong khi đó, giai đoạn thấp điểm này, nhu cầu đi lại của hành khách được đánh giá là không quá đông đúc, ồ ạt để dẫn đến tình trạng khan hiếm vé máy bay.
Một chuyên gia hàng không đánh giá việc giá vé máy bay ở ngưỡng cao dù đã trong giai đoạn thấp điểm một phần xuất phát từ chiến lược kinh doanh, cân đối doanh thu của các hãng. Mặc khác, giá vé được tính toán dựa trên nhu cầu thị trường. Ngoài ra, yếu tố khách quan khác, một số hãng hàng không thời gian qua liên tục tái cơ cấu, thu hẹp đội bay, giảm tần suất khai thác làm giảm đi nguồn cung trên thị trường. Hiện tại, một số đường bay trong nước chỉ còn hai hãng hàng không là Vietnam Airlines và VietJet khai thác khiến giá vé tăng.
Được biết, Bamboo Airways vừa đã thông tin việc tạm dừng khai thác một số đường bay trong khu vực châu Á bao gồm Hà Nội - Bangkok (Thái Lan)/Narita (Nhật Bản)/Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ 8/11, TP HCM - Bangkok (Thái Lan) từ 21/11, TP.HCM - Singapore từ 4/11, Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc) từ 29/10... để tái cơ cấu.
Ngoài ra, hãng cũng tạm dừng hoạt động các đường bay tới Australia, châu Âu như TP.HCM - Sydney/Melbourne từ 4/11, Hà Nội - London Gatwick (Anh) từ 18/10, TP.HCM/Hà Nội - Frankfurt (Đức) từ 4/11.
Theo cam kết của hãng, đơn vị sẽ duy trì ổn định hoạt động khai thác các đường bay trục kết nối trung tâm lớn như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng và các đường bay địa phương kết nối Hải Phòng, Vinh, Thanh Hoá, Đồng Hới, Côn Đảo,... Tuy nhiên theo phản ảnh của nhiều hành khách, những ngày qua, hãng bay trên liên tục thông báo hủy hàng loạt các chuyến bay trong nước. Một số chuyến bay bị ảnh hưởng dây chuyền, lùi giờ khởi hành.