Tại phiên chất vấn sáng 7/11, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu câu hỏi về việc Thanh tra Chính phủ thành lập tổ công tác, thanh tra lại dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng đúng hay không và trách nhiệm của người quyết định, trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ thế nào?
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay liên quan dự án Đại Ninh, việc "rà soát, sửa đổi, kết luận thanh tra thực chất không phải thanh tra lại".
Ông Phong cho biết, sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận số 929 năm 2020 về thanh tra công tác quản lý sử dụng đất đai và xây dựng ở Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn Đại Ninh và Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài (đơn vị hỗ trợ pháp lý) có nhiều lần gửi đơn đề nghị xem xét lại viêc thu hồi dự án Đại Ninh và đề nghị cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được tiếp tục thực hiện dự án, bắt đầu từ khi thực hiện kết luận từ tháng 6 năm 2020.
Thanh tra Chính phủ cũng nhận 4 văn bản của Văn phòng Chính phủ, trong đó có 2 phiếu chuyển đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh và Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài; 2 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, yêu cầu rà soát, trả lời doanh nghiệp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ thành lập tổ công tác 4 người vào năm 2021 để kiểm tra, xác minh kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. "Căn cứ là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đây là cơ sở pháp lý", Tổng Thanh tra nói.
Vẫn theo ông Đoàn Hồng Phong: "Về sau, xảy ra việc liên quan dự án Sài Gòn Đại Ninh, liên quan đến việc chuyển tiền của ngân hàng SCB và vụ án được cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Có một số cán bộ Thanh tra Chính phủ bị khởi tố, tạm giam, chủ yếu là hành vi nhận hối lộ".
Tổng thanh tra Chính phủ sau đó đã lãnh đạo, chỉ đạo, buộc thôi việc các công chức liên quan vụ án và cũng xử lý khai trừ ra khỏi Đảng 2 trường hợp. Còn Tổng thanh tra sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước khi có chỉ đạo.
Nội dung thứ 2 được chất vấn Tổng thanh tra là việc Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ 245 vụ việc sang cơ quan điều tra nhưng mới có 29 vụ được khởi tố.
Ông Đoàn Hồng Phong cho hay, theo quy định hiện hành, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm tội phạm thì cơ quan thanh tra chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý, không chờ kết thúc thanh tra, kiểm tra mới chuyển.
"Thanh tra làm tốt việc này nhưng giải quyết tỷ lệ nhỏ, chỉ 29 vụ trong 245 hồ sơ thì trách nhiệm chủ yếu là của các cơ quan tố tụng. Còn thanh tra sắp tới sẽ phối hợp nhiều hơn nữa với cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong xử lý các trường hợp như vậy", ông Phong nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết về trách nhiệm của mình Thanh tra Chính phủ đã lãnh đạo chỉ đạo và buộc thôi việc các công chức liên quan đến vụ án và khai trừ khỏi Đảng. Nêu rõ, Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về vấn đề này.