Theo đó, Hội Nông dân TP.Hải Phòng bàn giao cho Hội Nông dân huyện quản lý kinh phí xây dựng mô hình dự án xử lý rác thải dự trù là 133.100.000 đồng tương ứng với 23 mô hình nuôi sâu canxi và 45 mô hình nuôi trùn quế. Mô hình nuôi sâu canxi nhận hỗ trợ xi măng, gạch, nhân công xây chuồng, bình xịt phun sương, bạt che chắn và trứng sâu canxi. Mô hình nuôi trùn quế cũng tương tự nhận hỗ trợ gồm xi măng, gạch, nhân công xây chuồng, bình xịt phun sương, bạt che chắn và trùn quế giống.
Tại Hội nghị bàn giao vật tư, ông Trần Quang Tường- Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thành ủy Hải Phòng và sự tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, các địa phương, năm 2021, Hội Nông TP.Hải Phòng được thụ hưởng Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế cùng với 14 tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Thời gian thực hiện dự án từ 2021 – 2024. Cơ quan chủ quản là Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Chủ dự án là Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội chủ trì phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững Trung ương Hội.
Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái – gọi tắt là Quỹ BRACE (Hồng Kông) là cơ quan tài trợ dự án.
Tại TP.Hải Phòng, Hội Nông dân thành phố khảo sát và lựa chọn 9 xã thuộc 3 huyện Thủy Nguyên (Đông Sơn, Thủy Sơn, Liên Khê), Kiến Thụy (Minh Tân, Ngũ Phúc, Tân Trào) và huyện Vĩnh Bảo (tại 3 xã Trung Lập, Hiệp Hòa, Hùng Tiến) triển khai thực hiện dự án.
Về công tác tập huấn, đào tạo giảng viên nguồn (TOT), tập huấn cho cán bộ hội viên tại 9 xã được triển khai tập trung, các học viên tham gia thực hành và xây dựng mô hình tại hộ gia đình để cho các hội viên nông dân tại địa phương đến thăm quan học tập.
Trước đó, vào ngày 4/1/2023, Hội Nông dân TP.Hải Phòng đã tổ chức hội thảo khởi động và kết nối thực hiện Dự án "Tuyên truyền vận động, nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại Hải Phòng.
Để hội viên, nông dân của 9 xã thuộc 3 huyện tham gia dự án có các điều kiện tổ chức xây dựng, nhân rộng mô hình, tháng 7/2023 Ban Quản lý Dự án xử lý rác thải, Hội Nông dân TP.Hải Phòng tổ chức hội nghị bàn giao vật tư gồm máy băm phụ phẩm nông nghiệp, các chế phẩm sinh học hỗ trợ xây dựng mô hình kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng.
Đến nay, Hội Nông dân các huyện đã chỉ đạo xây dựng được 227 mô hình, trong đó có 54 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; 45 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; 128 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Đây là tiền đề quan trọng để lan tỏa hiệu quả của dự án rộng khắp các xã trên địa bàn các huyện.
Có được kết quả nêu trên, thời gian qua các cấp Hội, các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm ủng hộ, cùng sự quyết tâm và cách làm linh hoạt, sáng tạo, sự tham gia có trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân, các đơn vị tham gia dự án. Nhờ đó, hoạt động của dự án có nhiều chuyển biển tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân trên địa bàn nông thôn.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của dự án trong thời gian tới, ông Trần Quang Tường đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện bàn giao toàn bộ vật tư mô hình cho hội viên nông dân theo kế hoạch, chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, mô hình dự án, và lan tỏa hiệu quả mô hình tới hội viên nông dân không chỉ trong các xã tham gia dự án mà cho hội viên nông dân toàn huyện.
Tăng cường công tác tham mưu, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy các cấp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân toàn huyện thực hiện 5 kỹ thuật của dự án, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trong các trang trại, chuyển đổi chất thải thực phẩm thành nguồn thực phẩm lành mạnh, chất thải trong trang trại thành thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm ô nhiễm môi trường, phát triển nông nghiệp tuần hoàn hiện đại và bền vững; quan tâm đến mạng lưới cán bộ Hội các cấp, những tuyên truyền viên nhiệt tình, trách nhiệm, gần nông dân, sát nông dân nhất.