Dân Việt

Thủ đoạn lừa trồng sâm Ngọc Linh để huy động hơn 1.264 tỷ đồng của doanh nhân Phạm Mỹ Hạnh

Xuân Huy 10/11/2023 13:48 GMT+7
Thủ đoạn mà Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh dùng là "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp, "vẽ" ra các kịch bản không đúng với thực tế, nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ngày 10/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Mỹ Hạnh (43 tuổi, người địa phương) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Qua công tác nắm địa bàn, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo về dấu hiệu bất thường trong việc huy động vốn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh.

Vào cuộc xác minh, cơ quan điều tra xác định hoạt động huy động vốn của công ty này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo đó, công ty trên do Phạm Mỹ Hạnh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực khai thác trồng cây và kinh doanh các hoạt động liên quan đến sâm Ngọc Linh.

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt gần 1.300 tỷ để trồng sâm Ngọc Linh của doanh nhân Phạm Mỹ Hạnh - Ảnh 1.

Bị can Phạm Mỹ Hạnh. Ảnh: Đ.X.

Do có nhu cầu về vốn, năm 2022, Hạnh và một số người đã tổ chức huy động vốn của các nhà đầu tư.

Hạnh chỉ đạo công ty này đưa ra nhiều quảng bá về hoạt động, đưa ra những ý tưởng dự án để lôi kéo nhà đầu tư. Hạnh cam kết trả lãi suất 24-48%/năm cho các nhà đầu tư.

Khi làm việc với các nhà đầu tư, Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, Hợp đồng vay vốn và Hợp đồng bán cổ phần của Hạnh trong công ty.

Bước đầu, Công an quận Cầu Giấy xác định có khoảng hơn 1.000 nhà đầu tư đã góp hơn 1.264 tỷ đồng vào doanh nghiệp này.

Số tiền trên không được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, không hạch toán tài chính doanh nghiệp mà chuyển riêng vào tài khoản của Hạnh. Bị can này chỉ dùng khoảng 1% để sản xuất kinh doanh. Số tiền còn lại Hạnh dùng để trả lãi cho các hợp đồng tất toán có thời hạn ngắn, chi tiêu cá nhân, mua bất động sản đứng tên mình.

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt gần 1.300 tỷ để trồng sâm Ngọc Linh của doanh nhân Phạm Mỹ Hạnh - Ảnh 2.

Vườn trồng sâm được quảng cáo trên website của công ty. Ảnh: MHG.

Đến nay, có những dòng tiền mà Hạnh và công ty đã sử dụng nhưng chưa giải trình được với cơ quan điều tra, chưa rõ mục đích sử dụng.

Thủ đoạn mà công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh dùng là "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; "vẽ" ra các kịch bản, kỳ vọng với doanh nghiệp không đúng với thực tế; tự ý thay đổi, nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hiện công ty này đã mất khả năng thanh toán số tiền huy động của các nhà đầu tư. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc, kho bãi của bị can và Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật liên quan vụ án.

Nhà chức trách đề nghị các bị hại, nhà đầu tư thời gian tới sẽ hợp tác với cơ quan công an trong việc tố giác hành vi của Hạnh để Công an quận Cầu Giấy làm rõ phạm vi, quy mô, tính chất phạm tội của bị can, đồng thời đảm bảo quyền lợi của nạn nhân.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp tác, dòng tiền ứng, nhận với Phạm Mỹ Hạnh trong các giao dịch dân sự, hợp tác với cơ quan điều tra để thu hồi tiền. Cơ quan chức năng xác định số tiền này cũng là tiền Hạnh đã chiếm đoạt bất hợp pháp trong vụ án.