Chiều 11/11, trong khuôn khổ chương trình "Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023" do Bộ Thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, đã diễn ra tọa đàm khoa học "Triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam- Lào: Thách thức và giải pháp".
Trình bày tham luận "Chuyển đổi số báo chí và một số kinh nghiệm ở Việt Nam", ông Đặng Khắc Lợi- Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, báo chí Việt Nam đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông, đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.
Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới, trong đó có sự ảnh hưởng vừa tích cực vừa có nhiều biến động trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thách thức, cơ hội của tiến trình chuyển đổi số trên thế giới và tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trước tình hình đó, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.
Chia sẻ về kinh nghiệm xử lỷ tin giả ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho hay, hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng. Việc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo, cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật. Các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh.
Tại Việt Nam, có 4 nền tảng lớn gồm: Zalo với 47 triệu người dùng, YouTube với 63 triệu người dùng, Facebook với 66 triệu người dùng và TikTok với gần 50 triệu người dùng. Ba trong số bốn nền tảng này gồm Facebook, YouTube, TikTok là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, tin giả không phải là vấn đề mới, chỉ đến khi có sự trợ giúp của truyền thông xã hội, tin giả mới thật sự trở thành một "đại dịch". Vấn nạn tin giả đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại, len lỏi phát tán trong cộng đồng với những nội dung, quy mô và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, đe dọa sự lành mạnh thông tin và ổn định trật tự xã hội. Theo thống kê Tin giả có tốc độ lan truyền nhanh gấp 10-20 lần so với tin thật và luôn là một thách thức đối với không chỉ Việt Nam, Lào mà tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Một số kinh nghiệm về công tác phòng chống tin giả tại Việt Nam đã được bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ tại tọa đàm, như: Xây dựng hành lang pháp lý; nâng cáo nhận thức xã hội, nhận thức người dùng mạng xã hội; thực hiện rà quét, giám sát không gian mạng để loại bỏ tin giả; phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để yêu cầu gỡ bỏ tin giả, thông tin xấu độc; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi vi phạm...
Trong đó, về thực hiện rà quét, giám sát không gian mạng để loại bỏ tin giả, đã vận hành Trung tâm giám sát không gian mạng (SOC.GOV.VN) để theo dõi kịp thời các xu hướng thông tin trên mạng; vận hành Trung tâm xử lý tin giả (VAFC) để tiếp nhận, xác minh, xử lý và công bố các tin giả.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả VN tiếp nhận 6.398 phản ánh tin giả, trong đó có 1.832 tin có thể kiểm chứng, 952 tin phản ánh về tin xấu độc, 1.311 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý …, 1.226 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng. Qua đó, đã công bố hơn 100 tin giả, website giả mạo, 30 website giả mạo doanh nghiệp; yêu cầu mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 543 tin giả, tin xấu độc; chặn gỡ 725 tên miền cờ bạc.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng được nghe nhiều nội dung tham luận đáng chú ý khác, như: Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam (Vietnam.vn)- điển hình về áp dụng công nghệ trong thông tin đối ngoại; kết quả hợp tác Việt Nam - Lào trong đào tạo báo chí, truyền thông; thách thức của thông tin, truyền thông Lào trong bối cảnh hiện nay; triển vọng hợp tác Lào-Việt về thông tin và truyền thông; hỗ trợ quản lý xã hội thông qua công cụ thông tin và truyền thông...
Tọa đàm đã cung cấp thêm thông tin hữu ích, hé mở những giải pháp thiết thực để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho bà con vùng biên giới, để thông tin và truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đường biên giữa các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Lào.