Trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề, theo đó tập trung nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã và tận dụng lợi thế của công nghệ số để quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu. Vì vậy, nhiều nông dân, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm làng nghề dần mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Những sản phẩm làng nghề đặc trưng của nông dân TP.HCM. Video: Chinh Hoàng
Từng có hàng chục làng nghề, ngành nghề truyền thống, nhưng trước sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, hiện nay TP.HCM chỉ giữ lại 9 làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Theo đó, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi) là một trong 9 làng nghề được TP tích cực hỗ trợ phát triển, cho vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất. Đồng thời, để tồn tại và phát triển đòi hỏi sản phẩm bánh tráng của làng nghề phải nâng cao tính cạnh tranh, các hộ dân phải chuyển dần sang quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Vì vậy, hàng trăm hộ tráng bánh được tập huấn về Luật hợp tác xã, tham quan các mô hình HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các hội chợ triển lãm.
Nhằm tăng giá trị, mở rộng đầu ra các sản phẩm của làng nghề, ngành nghề truyền thống trên địa bàn TP.HCM, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 1784/KH-UBND về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2022-2025. Tập trung vừa phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn theo xu thế hội nhập vừa bảo tồn được giá trị, bản sắc văn hóa. Trong đó, có tập trung bảo tồn và phát triển 6 làng nghề và 6 ngành nghề truyền thống.
Đồng thời, Thành phố triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, sản phẩm làng nghề như: chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng; hỗ trợ khuyến công; đào tạo nguồn nhân lực, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các làng nghề phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, TP sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, phát triển làng nghề kết hợp du lịch - giáo dục trải nghiệm, du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân làng nghề.
Ngoài ra, các sản phẩm của làng nghề, ngành nghề truyền thống tại TP.HCM sẽ được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.