Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Chủ tịch HĐQT CPCP Tập đoàn Mỹ Hạnh liên quan đến vụ kêu gọi đầu tư dự án sâm Ngọc Linh.
Công an Hà Nội cho biết, bị can Phạm Mỹ Hạnh đã dùng thủ đoạn huy động vốn bằng hình thức đa cấp.
Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng xác định, Phạm Mỹ Hạnh đã thu tiền của hàng ngàn cá nhân (nhà đầu tư) với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng. Hạnh sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho chính các nhà đầu tư, lấy tiền của người góp vốn sau trả tiền gốc và lãi cho người đã góp vốn trước.
Cơ quan chức năng cũng đã làm rõ Hạnh chiếm đoạt số tiền hơn 600 tỷ đồng. Số còn lại, bị can Hạnh dùng để chi tiêu cá nhân, mua bất động sản. Ngoài ra, còn một lượng tiền khác Hạnh và công ty đã sử dụng nhưng chưa giải trình được mục đích.
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 10/2020-11/2022, Phạm Mỹ Hạnh quảng cáo công ty đang thực hiện dự án trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; kêu gọi nhà đầu tư nộp tiền góp vốn, hứa hẹn trả lãi suất 24-48%/năm.
Làm việc với các nhà đầu tư, Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, Hợp đồng vay vốn và Hợp đồng bán cổ phần của Hạnh trong công ty.
Tuy nhiên, sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác định công ty này không có dự án đầu tư nào.
Nguồn tiền từ huy động vốn nêu trên không được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, không hạch toán tài chính doanh nghiệp mà chuyển riêng vào tài khoản của Hạnh.
Tập đoàn Mỹ Hạnh đã "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; "vẽ" ra các kịch bản, kỳ vọng với doanh nghiệp không đúng thực tế; tự ý thay đổi, nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hơn 1.200 tỷ đồng huy động được, bà Hạnh chỉ dùng khoảng 1% để sản xuất kinh doanh.
Dữ liệu Dân Việt cho thấy, CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh thành lập ngày 14/08/2017. Công ty đã nhiều lần thay đổi trụ sở chính. Tại thay đổi gần nhất, vào ngày 29/3/2023, doanh nghiệp có trụ sở chính tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngành nghề chính của Tập đoàn này là sản xuất thực phẩm chức năng.
Vốn điều lệ khi mới thành lập 100 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm bà Phạm Mỹ Hạnh góp 61%, Nguyễn Tiến Quang góp 10% và Lê Tuấn Anh góp 29%. Đại diện pháp luật là bà Phạm Mỹ Hạnh.
Tại thay đổi vào ngày 5/9/2019, Công ty giảm vốn xuống còn 20 tỷ đồng. Đến tháng 1/2021, Tập đoàn Mỹ Hạnh tăng vốn lên 120 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông góp vốn không được tiết lộ.
Đến tháng 8/2021, vốn của doanh nghiệp tiếp tục tăng lên 250 tỷ đồng. Sau đó 2 tháng, Tập đoàn Mỹ Hạnh tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Và đến tháng 3/2023, vốn của Tập đoàn ở mức 1.000 tỷ đồng.
Đại diện pháp luật là bà Phạm Mỹ Hạnh (SN 1980) kiêm Chủ tịch HĐQT của Công ty.
Dữ liệu cho thấy bà Hạnh còn là đại diện của nhiều pháp nhân khác. Cụ thể, bà Hạnh là đại diện kiêm CTCP Sâm Ngọc Linh MHG Việt Nam (thành lập tháng 3/2021). Ngành nghề chính là sản xuất thực phẩm chức năng và có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Mỹ Hạnh góp 51%, Bùi Hồng Tiệp góp 24% và Phạm Thế Dân góp 25%.
Tại Công ty CP Viễn Thông MHG Việt Nam, bà Hạnh vừa là đại diện kiêm Tổng Giám đốc Công ty. Công ty thành lập tháng 3/2021, có trụ sở chính tại phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngành nghề chính là sản xuất thiết bị truyền thông. Tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Mỹ Hạnh góp 51%, Bùi Hồng Tiệp góp 24% và Phạm Thế Dân góp 25%.
Bà Hạnh còn là đại diện kiêm Giám đốc tại CTCP Đầu tư DV TM Sâm Ngọc Linh MHG. Ngành nghề chính hoạt động là buôn bán thực phẩm. Vốn điều lệ khi mới thành lập ở mức 30 tỷ đồng, trong đó bà Hạnh góp 75%, Bùi Hồng Tiệp góp 5% và Nguyễn Xuân Trường góp 20%.
Bên cạnh đó, bà Mỹ Hạnh còn là người đại diện của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông.
Về cổ đông lớn thứ hai của Tập đoàn Mỹ Hạnh là ông Lê Tuấn Anh (SN 1979), thường trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Dữ liệu cho thấy, ông Lê Tuấn Anh cũng đang là đại diện pháp luật của nhiều pháp nhân như: tại CTCP Truyền thông MHG Quốc tế (thành lập tháng 10/2017). Công ty có ngành nghề chính là quảng cáo. Vốn điều lệ khi thành lập là 50 tỷ đồng, trong đó ông Tuấn Anh góp 40%, ông Đỗ Tuấn Anh góp 30% và bà Phạm Mỹ Hạnh góp 30%.
Tại Công ty CP Công nghệ ABT Việt Nam, ông Tuấn Anh vừa là đại diện vừa là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty. Công ty này hoạt động chính là xuất bản phần mềm và có vốn điều lệ 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại Công ty CP OOHay Việt Nam (thành lập tháng 9/2015), ông Lê Tuấn Anh cũng là đại diện kiêm Giám đốc. Công ty hoạt động chính trong ngành quảng cáo, vốn điều lệ tại tháng 1/2019 đạt 300 tỷ đồng, trong đó ông Lê Tuấn Anh góp 20%, Trần Tiến Đạt góp 10% và Mai Bá Thành góp 70%.