Làng nghề tái chế nhôm "trên xả, dưới thải" ô nhiễm ám ảnh cuộc sống người dân
Độc giả N. C - huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định
Thôn Bình Yên, huyện Nam Trực, Nam Định là làng nghề chuyên tái chế, cô đúc nhôm từ các phế thải. Mặt trái của nó là môi trường nơi đây đang ngày càng bị ô nhiễm bởi hầu hết các hộ sản xuất đều đổ trực tiếp nước thải ra sông ngòi, kênh mương. Mặt sông, mương với mùn hóa chất đúc xoong nồi thải ra đặc quánh, váng rêu nổi đầy mặt. Hệ quả là nhiều ha ruộng vườn đã bị bỏ hoang, chẳng thể nào canh tác nổi. Chưa kể, khói bụi từ hàng trăm ống khói và tiếng ồn từ hoạt động tái chế nhôm cũng đang ám ảnh cuộc sống của những hộ dân chúng tôi. Không khí trong làng lúc nào cũng ngột ngạt bởi các lò đốt hoạt động liên tục 24/24 giờ.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động các hộ dân chuyển đổi nghề, hoặc di chuyển vào cụm sản xuất tập trung, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn, mong chương trình Nông Thôn Xanh vào cuộc giải quyết giúp bà con chúng tôi.
Nguy hiểm rình rập từ bãi rác thải chắn ngay tuyến đường liên xã
Độc giả Lê Thùy - huyện Thanh Oai, TP Hà Nội
Ngày ngày đi làm qua đường Đông Dương, tuyến đường nối giữa tổ dân phố số 12, 13 phường Đồng Mai, quận Hà Đông với thôn Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, tôi luôn ở trong tâm trạng lo lắng, e dè. Tuyến đường này ngập tràn rác thải, đặc biệt rác tập kết thành bãi rất to tại khu vực cổng nhà máy sản xuất sơn. Thậm chí ngay bên cạnh bãi rác còn là một dòng kênh thoát nước, cũng chịu trung tình cảnh ô nhiễm, mùi hôi thối nồng nặc.
Không chỉ vậy, tuyến đường này không có đèn đường, nên vào buổi tối, có những hôm rác thải tràn ra cả mặt đường, gây khó khăn cho người dân khi di chuyển qua đoạn đường này. Mong chương trình Nông Thôn Xanh phản ánh thông tin này để tình trạng ô nhiễm từ những bãi rác tự phát nhanh chóng được xử lý.
Lan tỏa ý thức sống xanh từ "Đội thiếu nhi tình nguyện dọn rác"
Lan tỏa ý thức sống xanh từ "Đội thiếu nhi tình nguyện dọn rác"
Độc giả Nguyễn Trang - huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang
Tuần vừa qua, các anh chị trong đoàn thanh niên xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã vận động thiếu nhi trong thôn mình đi nhặt rác. Các bạn nhỏ tham gia đều ở độ tuổi từ 5 – 10 tuổi, trong đó nhỏ tuổi nhất là bé Sâu, mới chỉ 3 tuổi. Các bạn nhỏ được hướng dẫn cẩn thận, cứ đâu có vỏ kẹo, túi bóng là ra thu gom vào bao rác. Thiếu nhi vẫn là độ tuổi nhiều nhiệt huyết và dễ uốn nắn nhất. Những hoạt động tập thể như thế này vừa giúp các em gắn bó với nhau, lại nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, mà chắc chắn trong lòng sẽ nhen nhóm lên một sự tự hào về bản thân mình, nên là mọi người cứ mạnh dạn cho con tham gia các hoạt động như thế này.
Một buổi chiều đội quân đi đến đâu là cần quét sạch rác đến đấy, rất vui và ý nghĩa, mong chương trình Nông Thôn Xanh chia sẻ tới đông đảo khán giả của chương trình.
Thành quả từ những mầm ươm hạt giống cây đước của "Hành trình sạch biển"
Nhóm TTH Xanh - quận 1, TP Hồ Chí Minh
Trong chuyến "Hành trình sạch biển" vào tháng 8 vừa qua, TTH Xanh đã được trải nghiệm 1 ngày trồng rừng tại một trong những khu vực của ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ. Rất nhiều hạt giống cây đước đã được chúng mình ươm mầm cẩn thận, kỹ càng. Tuần vừa rồi quay lại đây, chúng mình đã mang những mầm ươm thu hoạch được để tiếp tục trồng mới tại một khoảng trống của rừng đã bị tàn phá. Trồng cây không phải chuyện ngày một ngày hai, đòi hỏi lòng kiên trì, tâm huyết của những thành viên tham gia. Hi vọng những mầm ươm của chúng mình hôm nay sẽ lớn thật nhanh, đóng góp thêm oxy cho bầu khí quyển, và thực hiện tốt vai trò lá chắn ven biển của khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ.
Mong chương trình Nông Thôn Xanh lan tỏa hành động của chúng mình, để có thêm thật nhiều cây xanh được trồng mới trên lãnh thổ Việt Nam.
Hãy theo dõi chương trình Nông Thôn Xanh vào sáng thứ 5 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media để biết thêm những thông tin nổi bật về môi trường nông thôn trên khắp cả nước.
Mọi ý kiến đóng góp, phản ánh về môi trường nông thôn của độc giả xin hãy gửi về Hộp thư Nông Thôn Xanh tại địa chỉ Email: nongthonxanhdanviet@gmail.com hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt, Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay, Lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Chương trình Hộp thư Nông Thôn Xanh sẽ được phát sóng vào sáng thứ 4 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media.
Xin trân trọng cảm ơn!