Tại Hội thảo khoa học “Khởi nghiệp ĐMST gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn tỉnh Bắc Giang”, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang thông tin: Bắc Giang là một trong những tỉnh sớm ban hành kế hoạch về “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP).
Sau 5 năm triển khai, đến nay, Bắc Giang thuộc tốp đầu các tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP, với 255 sản phẩm từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, số sản phẩm OCOP 4 sao ít (hiện có 31 sản phẩm) và chưa có sản phẩm 5 sao.
Đồng chí đánh giá, việc xây dựng các sản phẩm OCOP của Bắc Giang còn hạn chế, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Đây là vấn đề tồn tại nhưng cũng là dư địa để có thể khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực này.
Sớm nhận thấy tầm quan trọng và xu thế sản xuất tất yếu trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025” và thu được kết quả bước đầu.
Dù vậy, sau 3 năm triển khai, số lượng các mô hình ít, quy mô nhỏ lẻ, chưa hướng đến sản xuất hàng hóa xuất khẩu; giá thành sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ cao, công lao động nhiều; việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn hữu cơ còn hạn chế.
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2023. Theo đó, hỗ trợ 06 chủ thể xây dựng và đăng ký nhãn hiệu bao gồm: Hộ kinh doanh Trần Quốc Hương (TP Bắc Giang); Hợp tác xã (HTX) sản xuất và thương mại Huy Linh; HTX Nông sản Thành Phát Lục Ngạn; Hộ kinh doanh Vũ Trung Hiếu (huyện Lục Ngạn); HTX Nông nghiệp Hạ Sơn; HTX Cường Nhung (huyện Yên Thế), mỗi nhãn hiệu được hỗ trợ 20 triệu đồng.
Hỗ trợ chi phí bao bì, in tem cho 29 sản phẩm. Trong đó, hỗ trợ 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao 100 triệu đồng/sản phẩm, 02 sản phẩm 4 sao 50 triệu đồng/sản phẩm, 25 sản phẩm 3 sao 30 triệu đồng/sản phẩm. Các sản phẩm được hỗ trợ bao gồm: Sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao (Vải thiều nước đường, Long nhãn nước đường); sản phẩm 4 sao (Giáp Tửu Tây Yên Tử, Mỳ gạo Lục Ngạn); sản phẩm 3 sao (Bánh Quế Ông Phú, Bún tươi sạch, Bánh cốm Đa Mai, Bánh Phu thê Đa Mai, Bánh Nướng cô tiên Huyền Barkery, Bánh Dẻo cô tiên Huyền Barkery, Bánh Khảo Tiến Lợi, Bánh Chả Tiến Lợi, Giò mỡ mo cau truyền thống, Giò tai nấm, Thịt lợn sạch, Giò lụa, Chả lụa, Ruốc Nấm hương, Pate nấm, Giò lụa nấm, Vải thiều An Tín, Vải thiều sấy khô Huy Linh, Sâm nam mật lục, Nem ngựa Hiếu Thu, Mỳ Chũ số 1, Mật ong Đèo Uỷnh, Dầu lạc Cường Nhung, Dầu lạc Đại An, Mật ong Nội - Hoa nhãn, Trà cà gai leo túi lọc, Trà củ sen).
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chi phí hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, chi phí hỗ trợ chi phí bao bì, in tem sản phẩm năm 2023 (đợt 2) là 2,22 tỷ đồng, từ nguồn sự nghiệp kinh tế thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023.