Thị trường bất động sản TP.HCM trải qua giai đoạn biến động với nhiều khó khăn khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao. Theo báo cáo về thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2023 gửi Bộ Xây dựng vừa qua, UBND TP.HCM cho biết hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm 2023 tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng hồi phục.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, bất động sản tăng trưởng -8,71% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng -11,58% và quý I năm 2023 tăng trưởng âm đến -16,2%. Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản -4,7% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm -8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến -14,6%.
Về nguồn cung nhà ở tại TP.HCM, 15 dự án nhà ở thương mại với 15.020 sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai được đưa ra thị trường trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023, tương đương hơn 1,5 triệu m2 diện tích sàn phục vụ nhu cầu chỗ ở cho người dân, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp có 5.051 căn. Đáng chú ý, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.
Lãnh đạo UBND TP.HCM đánh giá đến quý III/2023, thị trường bất động sản địa phương vẫn chưa chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với giai đoạn đầu năm 2023 và năm 2022, bất động sản đã có tín hiệu phục hồi, góp phần thúc đẩy hoạt động ngành xây dựng.
Trong đó, nguyên nhân chính của tín hiệu phục hồi đến từ việc thời gian qua là doTP.HCM đã có những động thái tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho từng dự án, có giải pháp phối hợp liên ngành để giải quyết những khó khăn riêng ở từng nơi.
Ngoài ra, tác động nới lỏng chính sách tiền tệ và những chính sách giảm lãi suất cho vay của ngân hàng giúp khơi thông nguồn vốn trong thời gian qua cũng là những trợ lực quan trọng giúp thị trường vực dậy.
Chia sẻ với báo chí trong một tọa đàm gần đây, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thời gian qua, Tổ công tác của UBND TP.HCM đã có nhiều cuộc họp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại một số dự án. Trong đó, thành phố tập trung dỡ vướng mắc tại 148 dự án với 189 kiến nghị, đến nay đã giải quyết được gần 30%.
Tuy nhiên, việc tháo gỡ vướng mắc còn theo trình tự, vướng chỗ nào tham mưu chỗ đó nhưng chưa thông suốt tổng thể, liên tục. Theo đó, các dự án bất động sản trải qua nhiều thời kỳ, pháp luật đan xen, bản thân quy định pháp luật khi ban hành mới lại chưa thống nhất, đồng bộ với quy định chuyển tiếp. Chưa kể, việc tham mưu, đề xuất của các bộ, ngành khi chuyển tiếp cũng khác nhau. Ngoài ra, còn 1 số vướng mắc liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung...
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá bất động sản đã qua vùng đáy vào quý I/2023. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất các doanh nghiệp vẫn đang gặp phải nằm ở vấn đề pháp lý. Các vướng mắc liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư, điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng là sự đan xen, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, vẫn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Vị chuyên gia cho rằng ngay cả vốn tín dụng, các ngân hàng cũng gần "nới lỏng", sẵn sàng cho doanh nghiệp vay. Tuy nhiên, các dự án được duyệt vay phải hoàn thành thủ tục pháp lý, đúng chuẩn để đảm bảo an toàn, tránh khả năng rủi ro, nợ nấu cho ngân hàng.