Dân Việt

Mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của TP.HCM giảm 1.000 ha

Trần Khánh 17/11/2023 01:04 GMT+7
Do tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, diện tích đất nông nghiệp của TP.HCM những năm gần đây liên tục giảm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm TP.HCM giảm khoảng 700 ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm diện tích nông nghiệp của thành phố mất thêm 1.000 ha.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp TP.HCM, diện tích đất nông nghiệp của thành phố giảm liên tục hàng năm, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm thành phố giảm 700 ha đất nông nghiệp. Giai đoạn 2015 - 2020 mỗi năm giảm thêm 1.000 ha.

Dù vậy, giá trị sản xuất trên một ha đất của thành phố lại tăng hàng năm. Năm 2015, giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp của thành phố đạt 375 triệu đồng mỗi năm. Giai đoạn 5 năm tiếp theo, giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp đã lên 500 triệu đồng.

Mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của TP.HCM giảm 1.000 ha - Ảnh 1.

Diện tích đất nông nghiệp của TP.HCM những năm gần đây liên tục giảm. Dù vậy, giá trị sản xuất trên một ha đất của thành phố lại tăng hàng năm lại tăng lên, ước năm 2023, giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp của TP đạt 579 triệu đồng. Ảnh: T. Khánh

Đáng chú ý trong năm 2023, con số này theo ước tính của Sở NN&PTNT là 579 triệu đồng/ha. Thành phố phấn đấu đến 2030 đưa giá trị gia trên một ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 900 triệu đến 1 tỷ đồng.

Tại Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức mới đây, TS Phạm Đình Dũng - Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP), cho biết GRDP ngành nông nghiệp TP.HCM tăng từ 3.413 tỷ đồng năm 2010 lên 4.462 tỷ đồng năm 2015 và lên 5.268 tỷ đồng năm 2020. 

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,51%/năm và đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,38%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP nông nghiệp cả nước (2,54%/năm).

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ rất sớm, năm 2010, TP.HCM đã đã ban hành Quyết định số 2011/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên trên địa bàn đến năm 2020, và tầm nhìn đến năm 2025.

Trong đó tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất được xác định đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.

Mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của TP.HCM giảm 1.000 ha - Ảnh 2.

Nông nghiệp TP.HCM chú trọng ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả sử dụng đất. Ảnh: T. Khánh

Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2021-2025), Đảng bộ TP.HCM cũng nêu rõ: Phát triển nông nghiệp TP.HCM là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.  TP.HCM xác định vai trò quan trọng của khoa học công nghệ, phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất.

Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả, bài bản nông nghiệp công nghệ cao vốn đang đứng trước nhiều tiềm năng, lợi thế, các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần xây dựng, triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với HTX nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích hộ nông dân sử dụng dịch vụ của HTX, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết giữa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với doanh nghiệp...

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT, trước thực trạng đô thị hóa quá nhanh tại TP.HCM, nếu nông dân không tạo ra giá trị gia tăng cao thì sẽ rất khó giữ đất phục vụ sản xuất. Vì vậy, nông nghiệp thành phố bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao.

Thành phố sẽ tập trung triển khai một số giải pháp như thống nhất chủ trương, hoàn thiện chính sách; quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp của thành phố ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả sử dụng đất.