Về cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, chính vì thế mà những chiếc xe máy cũ nát, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh xuất hiện nhiều hơn trên đường phố Thủ đô.
Điểm chung của những phương tiện này là đều đã cũ, bằng mắt thường có thể nhận ra được dấu hiệu của việc “hết hạn sử dụng” như không còi, không gương, không vỏ, không hệ thống đèn chiếu sáng, mờ biển số, ọp ẹp, chắp vá…
Không chỉ sử dụng xe máy cũ, nát để lưu thông, người dân thậm chí còn chế thêm bộ phận kéo hàng cho xe, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tai nạn.
Đây đang là nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông tại Hà Nội với nỗi lo tai nạn.
Trên thực tế đã có tai nạn chết người do phương tiện này gây ra, và sau mỗi vụ như vậy, cơ quan chức năng thường có đợt ra quân xử lý vi phạm, nhưng kết quả chỉ như đánh trống bỏ dùi…
Theo ghi nhận của Dân Việt, chiều 22/11, trên đoạn đường Đê La Thành, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng có hàng chục chiếc xe máy cũ, nát, xe tự chế lưu thông.
Chủ của những chiếc xe này phần lớn đều là những người có thu nhập thấp, lao động dựa vào những nghề như chở hàng, vận chuyển vật liệu xây dựng...
Bên cạnh đó, người điều khiển xe hầu hết đều không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Hà (người đang sử dụng loại xe cũ tự chế) nói: “Chi phí mua xe rẻ, tiện lợi, dễ luồn lách nên những chiếc xe này được nhiều người lựa chọn”.
Việc nhưng chiếc xe nát, độ thêm lưu thông trên đường khiến nhiều người lo lắng về vấn đề an toàn.
Chị N.T.T.H, người dân sống tại ngõ 130 (Xuân Thủy, Cầu Giấy) tỏ ra bức xúc trước tình trạng này: “Ngõ tôi sống đã nhỏ rồi, mấy cái xe chở hàng cứ đi vào. Xe không có bô, cư kêu bành bạch ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt của người dân".
Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Hồng Hạnh (Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân) chia sẻ, không ít xe xích lô, xe tự chế chở hàng hóa, vật liệu chiếm gần hết làn đường, gây ách tắc giao thông.
Bên cạnh đó, nhiều xe vận chuyển những loại hàng hóa như ống thép, mái tôn, sắt xây dựng dài hàng chục mét mà không hề che chắn.
Theo thông tin từ Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), hiện nay đơn vị hạn chế và không cấp mới biển kiểm soát cho loại phương tiện tự chế vì không bảo đảm điều kiện kỹ thuật, an toàn khi lưu thông. Bên cạnh đó, Công an các quận, huyện, thị xã cũng tuyên truyền đến các cơ sở chuyên hàn xì cam kết không nhận chế xe ba gác...
Thiếu tá Đào Việt Long cho biết thêm, hiện cơ quan công an chưa tiến hành thu hồi xe mô tô, xe gắn máy cũ nát do chưa có quy định đối với niên hạn xe. Tuy nhiên, hằng năm, Phòng Cảnh sát giao thông xử lý, thu giữ hàng nghìn phương tiện cũ nát vi phạm chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm, không có giấy tờ đăng ký...
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết: Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nêu rõ, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.
Đồng thời tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng với người điều khiển xe tự chế vi phạm. Nếu gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự.
"Mặc dù quy định đã rõ ràng, song do chế tài xử phạt còn quá nhẹ nên nhiều lái xe tự chế vẫn cố tình vi phạm chở hàng cồng kềnh.
Thậm chí, nhiều trường hợp còn sẵn sàng bỏ xe lại do giá trị tài sản không cao, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh vi phạm tái diễn ngày càng nhiều như hiện nay, giải pháp tốt nhất vẫn là kiên quyết xử lý những vi phạm nêu trên", ông Nghĩa nói.